Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được quy định như thế nào? Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ, giải đáp cho các bạn.
Đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp
Trong trường hợp tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp thì việc cấp giấy chứng nhận đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 10/2016/TT-NHNN.
Về hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải được lập bằng tiếng Việt, bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 10/2016/TT-NHNN:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (theo mẫu tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này);
– Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán 05 (năm) năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ;
– Bản sao văn bản quyết toán thuế hoặc văn bản xác nhận của cơ quan thuế chứng minh việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, không có nợ thuế với ngân sách nhà nước;
– Báo cáo về việc tuân thủ các quy định về giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của năm liền kề năm nộp hồ sơ;
– Quy định nội bộ về quản lý hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, trong đó có nội dung về cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự phục vụ cho hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp có sở hữu vốn nhà nước) trong năm trước liền kề năm nộp hồ sơ.
Về trình tự, thủ tục
Ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính tổng hợp thực hiện các bước sau để được xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hồ sơ được chuẩn bị 05 (năm) bộ theo quy định trên.
Ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính tổng hợp nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước giải quyết như sau:
– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ;
– Trong thời hạn 35 (ba mươi lăm) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp.
Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Điều kiện cho phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm
Trong trường hợp tổ chức tự doanh là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thì việc cấp giấy chứng nhận đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được tuân theo trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư 105/2016/TT-BTC.
Về hồ sơ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2016/TT-BTC, hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm:
– Giấy đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
– Biên bản họp và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên hoặc quyết định của chủ sở hữu thông qua việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và phương án đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Phương án đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, bao gồm nội dung về quốc gia dự kiến đầu tư, mức vốn dự kiến đầu tư, nguồn vốn đầu tư, tài sản dự kiến đầu tư, hiệu quả đầu tư dự kiến và các thông tin khác;
– Văn bản của cơ quan thuế xác nhận đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Việt Nam, không còn nợ thuế với ngân sách nhà nước tính tới thời Điểm nộp hồ sơ;
– Quy trình nội bộ về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, bao gồm nội dung về cơ chế kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Bản thuyết minh cơ sở vật chất kỹ thuật của tổ chức kinh doanh chứng khoán mô tả chi Tiết hệ thống truyền lệnh, hệ thống lưu trữ phục vụ cho hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
– Bản sao chứng chỉ quốc tế CFA (Chartered Financial Analyst), hợp đồng lao động, chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính (đối với công ty chứng khoán) hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ (đối với công ty quản lý quỹ) của tối thiểu một (01) nhân viên của tổ chức kinh doanh chứng khoán;
– Báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán có sở hữu vốn nhà nước) trong năm liền trước năm nộp hồ sơ.
Về trình tự, thủ tục
Các tổ chức tự doanh trong trường hợp này thực hiện việc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Tổ chức tự doanh chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ theo quy định trên.
Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức kinh doanh chứng khoán, đồng thời gửi giấy chứng nhận đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Công bố thông tin
Trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể từ khi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực, tổ chức kinh doanh chứng khoán công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của mình về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài .
Xem thêm: Quy định của pháp luật về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Comments are closed.