Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quy định hiện nay

Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế là một trường hợp hạn chế quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Vậy, pháp luật quy định thế nào về trường hợp này? Trong trường hợp này thì chủ sở hữu sáng chế phải chuyển giao quyền sử dụng?

Trường hợp chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc chủ sở hữu sáng chế phải chuyển quyền sử dụng cho một người khác mà bản thân chủ sở hữu không muốn hay được coi là chủ sở hữu thực hiện một hợp đồng sử dụng sáng chế bắt buộc. 

Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế

Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

– Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế theo quy định dưới đây sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế:

+ Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Khi có các nhu cầu quy định tại khoản này mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế.

+ Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế.

– Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế có quyền yêu cầu chấm dứt quyền sử dụng khi căn cứ chuyển giao nêu trên không còn tồn tại và không có khả năng tái xuất hiện với điều kiện việc chấm dứt quyền sử dụng đó không gây thiệt hại cho người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

Điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phù hợp với các điều kiện sau đây:

– Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

– Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp “Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”

+ Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thoả đáng tuỳ thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

Ngoài các điều kiện nêu trên, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng còn cần phải đáp ứng điều kiện dưới đây:

– Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

Thẩm quyền và thủ tục chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối với trường hợp có căn cứ bắt buộc chuyển giao, trừ trường hợp “Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.”

Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình khi xảy ra trường hợp “Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội” trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải ấn định phạm vi và các điều kiện sử dụng phù hợp với quy định về điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phải thông báo ngay cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về quyết định đó.

Quyết định chuyển giao quyền sử dụng sáng chế hoặc từ chối chuyển giao quyền sử dụng sáng chế có thể bị khiếu nại, bị khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung Bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Thủ tục đăng ký sáng chế theo quy định của pháp luật Việt Nam

Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ

Comments are closed.