Thời điểm xuất hóa đơn GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ

Một trong những vấn đề dẫn đến nhiều sai sót trong hóa đơn đó là thời điểm xuất hóa đơn. Pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể về thời điểm xuất hóa đơn GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ.

1. Thời điểm xuất hóa đơn GTGT

Thời điểm xuất hóa đơn GTGT được hiểu là thời điểm lập hóa đơn GTGT hay ngày lập GTGT theo quy định của Thông tư 39/2014/TT-BTC.

1.1. Trường hợp bán hàng hóa

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Tức là, khi tổ chức kinh doanh hoạt động bán hàng hóa (bên bán) thì tại thời điểm giao tài sản cho khách hàng thì phải lập hóa đơn và giao cho khách. Việc khách hàng có thanh toán hay chưa không ảnh hưởng tới vấn đề lập hóa đơn của bên bán.

1.2. Trường hợp cung ứng dịch vụ

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Tuy nhiên, nếu bên cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền chứ không xác định là ngày hoàn thành dịch vụ.

1.3. Trường hợp cụ thể khác

Một là, hoạt động cung cấp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình

Trong trường hợp này, thời điểm xuất hóa đơn thực hiện chậm nhất không quá bảy (7) ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình.

Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình với người mua.

Hai là, hoạt động xây dựng, lắp đặt

Thời điểm xuất hóa đơn GTGT là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

 

Ba là, hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng

Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

 

Bốn là, hoạt động kinh doanh xăng dầu

Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh; cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên kèm bảng kê hoặc chứng từ khác có xác nhận của hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.

Ngày lập hóa đơn đối với việc bán dầu thô, khí thiên nhiên, dầu khí chế biến và một số trường hợp đặc thù thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính.

Xem thêm: Cách xử lý trường hợp xuất hóa đơn khi mã số thuế bị đóng

2. Xử phạt vi phạm khi sai thời điểm xuất hóa đơn GTGT

Trong trường hợp bên bán hàng hóa, dịch vụ lậo hóa đơn sai thời điểm thì tùy theo mức độ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt  tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 10 /2014/TT-BTC. Cụ thể:

– Phạt cảnh cáo nếu lập hóa đơn không đúng thời điểm, không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt;

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định.

Trên đây là bài tư vấn của TaxKey về thời điểm xuất hóa đơn GTGT khi bán hàng hóa, dịch vụ gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn pháp luật hoặc được cung cấp dịch vụ kế toán thuế.

Trân trọng./.

Comments are closed.