Để thực hiện được các dự án dầu khí một cách an toàn và hiệu quả, các chủ thể cần lập ra các tài liệu an toàn để được các cấp lãnh đạo phê duyệt. Vậy quy trình để thẩm định, chấp thuận các tài liệu đó là gì?
Các tài liệu an toàn
Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng các tài liệu về quản lý an toàn sau:
+ Chương trình quản lý an toàn;
+ Báo cáo đánh giá rủi ro;
+ Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
Chương trình quản lý an toàn gồm các nội dung chính sau
+ Chính sách và các mục tiêu về an toàn;
+ Tổ chức công tác an toàn, phân công trách nhiệm về công tác an toàn;
+ Chương trình huấn luyện an toàn; yêu cầu về năng lực, trình độ và kinh nghiệm của người lao động;
+ Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia, Tiêu chuẩn Quốc gia, quy định an toàn, các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các tiêu chuẩn khác phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung;
+ Đánh giá sự tuân thủ pháp luật bao gồm các yêu cầu phải thực hiện theo quy định (các giấy phép, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…);
+ Quản lý an toàn các nhà thầu.
Báo cáo đánh giá rủi ro gồm các nội dung chính sau
+ Xác định mục đích và các mục tiêu đánh giá rủi ro;
+ Mô tả các hoạt động, các công trình;
+ Xác định, phân tích, đánh giá rủi ro định tính và định lượng;
+ Các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp
+ Mô tả và phân loại các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra;
+ Sơ đồ tổ chức, phân cấp trách nhiệm, trách nhiệm của từng cá nhân, hệ thống báo cáo khi xảy ra sự cố, tai nạn hoặc xuất hiện các tình huống nguy hiểm;
+ Quy trình ứng cứu các tình huống;
+ Mô tả các nguồn lực bên trong và bên ngoài sẵn có hoặc sẽ huy động để ứng cứu hiệu quả các tình huống khẩn cấp;
+ Địa chỉ liên lạc và thông tin trong ứng cứu khẩn cấp với các bộ phận nội bộ và báo cáo các cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan;
+ Kế hoạch huấn luyện và diễn tập ứng cứu khẩn cấp;
+ Kế hoạch khôi phục hoạt động của công trình bao gồm công tác điều tra, đánh giá nguyên nhân, hậu quả để tái lập và nâng cao mức an toàn của công trình.
Hồ sơ
Những tài liệu được quy định trên phải được xây dựng, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét và trình Bộ Công Thương chấp thuận trước khi tiến hành các hoạt động dầu khí, xây dựng mới, hoán cải, thu dọn công trình dầu khí khi kết thúc khai thác hoặc kết thúc dự án.
Thành phần hồ sơ xin chấp thuận:
– Văn bản đề nghị chấp thuận do thủ trưởng đơn vị ký (theo Mẫu);
– 03 (ba) bộ tài liệu về quản lý an toàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 04/2015/QĐ-TTg (bằng tiếng Việt) do thủ trưởng đơn vị ký;
– Hồ sơ được gửi trực tiếp đến Bộ Công Thương hoặc qua bưu điện.
Trình tự thẩm định các tài liệu an toàn
Trình tự thẩm định gồm các bước:
– Bộ Công Thương quyết định thành lập Hội đồng thẩm định các tài liệu về quản lý an toàn. Số lượng thành viên của Hội đồng phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất và quy mô của các hoạt động dầu khí, nhưng tối thiểu phải có 07 người.
– Hội đồng thẩm định tổ chức xem xét sự phù hợp, tính chính xác của nội dung trong các tài liệu. Trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể xem xét thực tế tại công trình;
– Lập biên bản họp thẩm định (theo Mẫu);
– Căn cứ biên bản họp thẩm định, Bộ Công Thương có thể gửi công văn đến tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận yêu cầu hiệu chỉnh, bổ sung để làm rõ các nội dung trong tài liệu (theo Mẫu). Trong công văn đề nghị nêu rõ các nội dung cần hiệu chỉnh, bổ sung;
– Lập Báo cáo kết quả thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định chấp thuận (theo Mẫu);
– Căn cứ Báo cáo kết quả thẩm định Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định chấp thuận các tài liệu (theo Mẫu).
– Thời gian thẩm định: 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được đủ tài liệu hợp lệ;
– Thời gian ban hành Quyết định chấp thuận: 05 (năm) ngày làm việc sau khi có báo cáo kết quả thẩm định.
Trên đây là bài viết về quy trình chấp thuận các tài liệu an toàn Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.