Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, bác sĩ có sai sót dẫn đến sự cố ý khoa thì phải bồi thường như thế nào ? Hãy cùng Taxkey giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.
Bác sĩ gây ra sự cố y khoa phải chịu trách nhiệm bồi thường
VIệc bác sĩ sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra sự cố y khoa, bác sĩ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Sự cố y khoa trong khám bệnh, chữa bệnh là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 43/2018/TT-BYT, sự cố y khoa (Adverse Event) là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh, tác động sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Căn cứ phần II. A phụ lục IV Thông tư 43/2018/TT-BYT, sự cố y khoa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong những nguyên nhân xuất phát trong quá trình thực hiện quy trình kỹ thuật, thủ thuật chuyên môn như: Thực hiện sai vị trí phẫu thuật/thủ thuật; Bỏ sót dụng cụ, vật tư tiêu hao trong quá trình phẫu thuật…
Việc xảy ra sự cố ý khoa dẫn đến tai biến cho người bệnh, căn cứ khoản 13 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 74 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, để xác định bác sĩ có sai sót chuyên môn kỹ thuật hay không thì cần có kết quả của hội đồng chuyên môn do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố ý khoa
Căn cứ Điều 76 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về trách nhiệm của nhân viên y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến như sau:
Điều 76. Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh
1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp kết luận của hội đồng chuyên môn xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh thì doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở KBCB đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở KBCB đó. Trường hợp cơ sở KBCB chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế là chủ thể cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh còn nhân viên y tế – bác sĩ là người trực tiếp thực hiện dịch vụ, do đó, chủ thể trong mối quan hệ này là cơ sở y tế – bệnh viện và người bệnh. Vì vậy, khi xảy ra sự cố y tế dẫn đến tai biến của người bệnh, cơ sở y tế – bệnh viện là đơn vị chịu trách nhiệm trong hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh nhân.
Căn cứ Điều 597 BLDS 2015 thì trách nhiệm bồi thường đầu tiên là bệnh viện, nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm trước bệnh viện về sai sót chuyên môn kỹ thuật của mình:
Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Khoản thiệt hại người bệnh được bồi thường khi xảy ra sự cố y khoa
Căn cứ Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định về xác định mức bồi thường thiệt hại do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Việc xác định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập tực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo đó, khi xảy ra sự cố ý khoa, người bệnh được bồi thường các khoản quy định tại khoản 1 Điều 590 BLDS 2015 (được hướng dẫn chi tiết tại Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP). Ngoài ra, người bệnh còn được bồi thường khoản tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Trách nhiệm pháp lý khác của bác sĩ khi xảy ra sự cố y khoa dẫn đến tai biến của người bệnh
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nhân viên y tế bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Về trách nhiệm hành chính
Căn cứ khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều này;
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều này.
Về trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 315 BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
Khung 1
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Làm chết người;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Khung 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
– Làm chết 02 người;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung 3
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là bài viết: Bác sĩ gây ra sự cố y khoa phải bồi thường thiệt hại như thế nào? Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ TaxKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.