Buôn bán pháo nổ có phải hành vi trái pháp luật không? Hành vi này bị xử lý như thế nào nếu vi phạm pháp luật?

Cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh, buôn bán pháo nổ không? Chủ thể thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Hãy cùng Taxkey giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.

Hành vi buôn bán pháo nổ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm

Trước hết, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 137/2020/NĐ- CP quy định về quản lý, sử dụng pháo thì pháo nổ được định nghĩa như sau:

1. Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

a) Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định về ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh thì việc kinh doanh pháo là bị cấm:

Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

….

g) Kinh doanh pháo nổ;

Ngoài ra, căn cứ theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quản lý, sử dụng pháo, theo đó:

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Như vậy, việc kinh doanh, buôn bán pháo nổ là ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, hành vi buôn bán pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm pháp luật.

Người thực hiện hành vi này bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật ?

Tùy thuộc vào khối lượng pháo nổ, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nghiệm hình sự.

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính hành vi buôn bán pháo nổ:

Về mức phạt tiền

  1. Dưới 0,5 kilôgam phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

  2. Từ 0,5 kilôgam đến dưới 1 kilôgam phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

  3. Từ 1 kilôgam đến dưới 2 kilôgam phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

  4. Từ 3 kilôgam đến dưới 4 kilôgam phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

  5. Từ 4 kilôgam đến 5 kilôgam phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng

  6. Từ 5 kilôgam đến dưới 6 kilôgam phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng

  7. Từ 6 kilôgam trở lên bị phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

Về hình thức xử phạt bổ sung

Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có số lượng, khối lượng, trị giá hoặc số thu lợi bất chính được quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều này;

Về biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Lưu ý: Căn cứ khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp hai lần so với cá nhân.

>> Xem thêm: Xử lý hành vi tự chế pháo hoa nổ dịp Tết như thế nào?

Trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hành vi buôn bán pháo nổ bị xử lý như sau:

Khung 1.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

 Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;  pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

Khung 2.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam; pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

Khung 3.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

Pháo nổ 120 kilôgam trở lên; pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

>> Xem thêm: Hành vi tàng trữ pháo trái phép bị xử phạt như thế nào?

Trên đây là bài viết:Buôn bán pháo nổ có phải hành vi trái pháp luật không? Hành vi này bị xử lý như thế nào nếu vi phạm pháp luật? Nếu còn vấn đề thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.