Kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được tiến hành thông qua các hình thức nào? Hãy cùng TaxKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đối tượng được kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Đối tượng được kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán là các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
♠ Các đơn vị có thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định Luật Kế toán 2015, bao gồm:
– Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán;
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;
– Chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam;
– Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có cung cấp dịch vụ kế toán.
♠ Người hành nghề dịch vụ kế toán, bao gồm:
– Kế toán viên hành nghề tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán;
– Kế toán viên hành nghề và kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam có thực hiện cung cấp dịch vụ kế toán.
♠ Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế có cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định Luật Quản lý thuế 2019 và người có chứng chỉ kế toán viên làm việc tại tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế có cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
♠ Đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.
(Điều 3 Thông tư 09/2021/TT-BTC)
Hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Theo Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTC, việc kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được thực hiện theo hình thức kiểm tra gián tiếp và kiểm tra trực tiếp. Cụ thể như sau:
♠ Kiểm tra gián tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện giám sát tình hình đối tượng được kiểm tra tuân thủ các nghĩa vụ thông báo, nộp các báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.
♠ Kiểm tra trực tiếp: Là việc cơ quan chủ trì kiểm tra thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán. Hình thức kiểm tra trực tiếp bao gồm:
+ Kiểm tra định kỳ
Hàng năm, căn cứ vào thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ quy định tại Điều 7 Thông tư 09/2021/TT-BTC, cơ quan chủ trì kiểm tra lập kế hoạch kiểm tra trực tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.
+ Kiểm tra đột xuất
Cơ quan chủ trì kiểm tra thực hiện việc kiểm tra đột xuất các đối tượng được kiểm tra khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Kiểm tra để xác minh các đơn thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán;
(ii) Kiểm tra các thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện trong quá trình quản lý, kiểm tra gián tiếp hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.
Nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Các nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
– Kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật về đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề và điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán của người hành nghề dịch vụ kế toán và các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam, bao gồm:
+ Việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán;
+ Việc đăng ký, duy trì điều kiện hành nghề dịch vụ kế toán và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, thông báo của kế toán viên hành nghề.
– Kiểm tra tình hình tuân thủ các quy định của chuẩn mực nghề nghiệp, chế độ kế toán và pháp luật kế toán liên quan của đối tượng được kiểm tra khi cung cấp dịch vụ kế toán cho khách hàng. Chuẩn mực nghề nghiệp bao gồm các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
>>Xem thêm: Hồ sơ khai thuế là gì?
Trên đây là bài viết về: Các hình thức kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ TaxKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Kế toán thuế của chúng tôi.