Các loại pháp nhân theo quy định hiện nay được hiểu là các loại pháp nhân được phân loại theo những đặc tính riêng biệt. Vậy hiểu thế nào về quy định này?
Pháp nhân là gì?
Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định dưới đây:
+ Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
+ Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Lưu ý, Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Các điều kiện của pháp nhân là các dấu hiệu để công nhận một tổ chức có tư cách là chủ thể của quan hệ dân sự.
Các loại pháp nhân
Các điều kiện của pháp nhân là các yếu tố bắt buộc để một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đó là những điều kiện cần và đủ để một tổ chức có tư cách chủ thể. Một pháp nhân phải có các điều kiện nêu trên và ngược lại một tổ chức có đủ các điều kiện nêu trên được coi là một pháp nhân. Tuy nhiên, các pháp nhân có những nhiệm vụ, mục đích, cũng như hình thức sở hữu khác nhau cho nên, có thể phân loại pháp nhân theo những đặc tính riêng biệt của chúng.
Pháp nhân thương mại
Pháo nhân thương mại là pháp nhân đáp ứng đủ 2 điều kiện:
– Có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận
– Lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Các pháp nhân dạng này tổn tại dưới các tên gọi khác nhau (doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, các hợp tác xã,..) với mục đích hoạt động kinh doanh, được thành lập theo các trình tự thủ tục khác nhau. Tài sản của các tổ chức này thuộc các hình thức sở hữu khác nhau nhưng là tài sản riêng của các tổ chức đố và phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng đó.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp nhân phi thương mại
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận cũng không được phân chia cho các thành viên.
Như vậy, mục tiêu lợi nhuận chỉ là mục tiêu phụ trong hoạt động của các pháp nhân này. Các cá nhân là thành viên pháp nhân chỉ được hưởng lương theo mức quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của pháp nhân phù hợp với quy định. Nếu năm tài chính của pháp nhân có lợi nhuận dư thì cũng không được chia lợi nhuận này cho các thành viên của pháp nhân mà phải đầu tư để tiếp tục phát triển pháp nhân.
Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan
Các pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang
Là những pháp nhân được Nhà nước giao tài sản để thực hiện các chức năng quản lí nhà nước, các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lí điều hành xã hội vì lợi ích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh (cơ quan hành chính các cấp; trường học, bệnh viện, các cơ quan an ninh, quốc phòng…). Các pháp nhân này hoạt động bằng nguồn kinh phí của Nhà nước cấp và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi kinh phí đó. Trong trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến hoạt động có thu bằng tài sản có được từ hoạt động này
Các pháp nhân là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp
Các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, chính trị-xã hội- nghề nghiệp được thành lập để hoạt động phục vụ lợi ích chung của xã hội, được quy định bởi điều lệ của các tổ chức này. Khi tham gia vào các quan hệ dân sự, các tổ chức này tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định các tài sản không được sử dụng để chịu trách nhiệm dân sự như trụ sở của các cơ quan Đảng, Đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh…
Các pháp nhân là các tổ chức kinh tế
Các pháp nhân dạng này tồn tại dưới các tên gọi khác nhau (doanh nghiệp nhà nước, công ti, các hợp tác xã…) với mục đích hoạt động kinh doanh, được thành lập theo các trình tự thủ tục khác nhau. Tài sản của các tổ chức này thuộc các hình thức sở hữu khác nhau nhưng là tài sản riêng của các tổ chức đó và phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng đó.
Các pháp nhân là tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Mỗi loại tổ chức có chức năng và nhiệm vụ riêng phù hợp với mục đích và nhiệm vụ được quy định trong điều lệ của các tổ chức đó. Tài sản của các pháp nhân dạng này được hình thành từ sự đóng góp của các thành viên và các nguồn khác phù hợp với pháp luật và điều lệ. Các tổ chức này phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp tổ chức chấm dứt hoạt động thì tài sản không được phân chia cho các hội viên mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung Các loại pháp nhân Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Phân tích các điều kiện của pháp nhân theo quy định của pháp luật
Comments are closed.