Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân cư trú

Thuế TNCN là loại thuế trực thu được áp dụng đối với một số khoản thu nhập của cá nhân. Bài viết này chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân cư trú.

1. Căn cứ tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, căn cứ tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất. Dưới đây là quy định cụ thể về cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân cư trú.

2. Quy định về thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

2.1. Thu nhập chịu thuế

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.

Cụ thể, thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm:

2.1.1. Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

2.1.2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

  • Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
  • Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
  • Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
  •  Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
  •  Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
  • Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
  • Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
  • Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
  • Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
  • Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
  • Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

Lưu ý:

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản trợ cấp, phụ cấp phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ.

Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.

Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

2.1.3. Tiền thù lao

Tiền thù lao là khoản tiền nhận được dưới các hình thức như:

  • Tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới;
  • Tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án;
  • Tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút;
  • Tiền tham gia các hoạt động giảng dạy;
  • Tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao;
  • Tiền dịch vụ quảng cáo;
  • Tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

2.1.4. Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.

 

2.1.5. Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

Môt là, tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có)

Khoản tiền này không bao gồm:

  • Khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp;
  • Nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

Hai là, khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), … mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.

Ba là, phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:
  •  Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
  • Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
  • Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
  • Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
  • Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
  • Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.
  • Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.
  • Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…

2.1.6. Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:

Một là, tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:
  • Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.
  • Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
  • Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.
  • Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
  • Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
  •  Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
  • Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.

Thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.

Hai là, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
Ba là, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Bốn là, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2.2. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ để tính thu nhập tính thuế TNCN được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Trong đó bao gồm:

  • Giảm trừ gia cảnh;
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

3. Quy định về thuế suất

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần cụ thể như sau:

  • Thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng: 5%
  • Thu nhập tính thuế trên 5 triệu đến 10 triệu đồng/tháng: 10%
  • Thu nhập tính thuế trên 10 triệu đến 18 triệu đồng/tháng: 15%
  • Thu nhập tính thuế trên 18 triệu đến 32 triệu đồng/tháng: 20%
  • Thu nhập tính thuế trên 32 triệu đến 52 triệu đồng/tháng: 25%
  • Thu nhập tính thuế trên 52 triệu đến 80 triệu đồng/tháng: 30%
  • Thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng/tháng: 35%

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân cư trú” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc được cung cấp các dịch vụ kế toán thuế.

Comments are closed.