Cách xác định chi phí tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Cách xác định chi phí tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được quy định như thế nào? Hãy cùng TaxKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Cách xác định chi phí để tính thuế

Cách xác định chi phí để tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

– Chi phí của giao dịch liên kết không phù hợp bản chất giao dịch độc lập hoặc không góp phần tạo ra doanh thu, thu nhập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ, bao gồm:

+ Chi phí thanh toán cho bên liên kết không thực hiện bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào liên quan đến ngành nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; không có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người nộp thuế;

+ Chi phí thanh toán cho bên liên kết có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng quy mô tài sản, số lượng nhân viên và chức năng sản xuất, kinh doanh không tương xứng với giá trị giao dịch mà bên liên kết nhận được từ người nộp thuế;

+ Chi phí thanh toán cho bên liên kết là đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, không góp phần tạo ra doanh thu, giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

– Chi phí dịch vụ giữa các bên liên kết:

+ Trừ các khoản chi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, người nộp thuế được trừ các khoản chi phí dịch vụ vào chi phí tính thuế trong kỳ nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau:

++ Dịch vụ được cung cấp có giá trị thương mại, tài chính, kinh tế và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế;

++ Dịch vụ từ các bên liên kết được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này;

++ Phí dịch vụ được thanh toán trên cơ sở nguyên tắc giao dịch độc lập và phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết phải được áp dụng thống nhất trong toàn tập đoàn đối với loại hình dịch vụ tương tự và người nộp thuế phải cung cấp hợp đồng, chứng từ, hóa đơn và thông tin về phương pháp tính, yếu tố phân bổ và chính sách giá của tập đoàn đối với dịch vụ được cung cấp.

Trường hợp liên quan đến các trung tâm thực hiện chức năng chuyên môn hóa và hợp lực tạo giá trị tăng thêm của tập đoàn, người nộp thuế phải xác định tổng giá trị tạo ra từ các chức năng này, xác định mức phân bổ lợi nhuận phù hợp với giá trị đóng góp của các bên liên kết sau khi đã trừ (-) mức phí dịch vụ tương ứng cho bên liên kết thực hiện chức năng điều phối, cung cấp dịch vụ của giao dịch độc lập có tính chất tương đồng.

+ Chi phí dịch vụ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

++ Chi phí phát sinh từ các dịch vụ được cung cấp chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích hoặc tạo giá trị cho các bên liên kết khác;

++ Dịch vụ phục vụ lợi ích cổ đông của bên liên kết;

++ Dịch vụ tính phí trùng lắp do nhiều bên liên kết cung cấp cho cùng một loại dịch vụ, không xác định được giá trị gia tăng cho người nộp thuế;

++ Dịch vụ về bản chất là các lợi ích người nộp thuế nhận được do là thành viên của một tập đoàn và chi phí mà bên liên kết cộng thêm đối với dịch vụ do bên thứ ba cung cấp thông qua trung gian bên liên kết không đóng góp thêm giá trị cho dịch vụ.

– Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

+ Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

+ Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

+ Quy định tại điểm a khoản khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm;

Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững);

Các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

– Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết

Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết theo Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

– Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế, bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu thương mại là thông tin, số liệu tài chính, kinh tế được các tổ chức kinh doanh dữ liệu thu thập, tập hợp, chuẩn hóa, lưu trữ, cập nhật, cung cấp bằng các phần mềm hỗ trợ truy cập, quản lý với các công cụ, ứng dụng được lập trình sẵn, hỗ trợ tiện ích cho người sử dụng có thể:

Tìm kiếm, truy cập và sử dụng dữ liệu tài chính, kinh tế của các doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, theo khu vực địa lý hoặc các tiêu chí tìm kiếm theo yêu cầu khác phục vụ mục đích so sánh, xác định đối tượng tương đồng trong kê khai và quản lý giá giao dịch liên kết;

+ Thông tin dữ liệu của các doanh nghiệp được công bố công khai trên thị trường chứng khoán;

+ Thông tin, dữ liệu công bố trên các sàn giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong nước và quốc tế;

+ Thông tin do các cơ quan bộ, ngành trong nước công bố công khai hoặc các nguồn chính thức khác.

– Cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết của Cơ quan thuế, bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;

+ Thông tin, dữ liệu trao đổi với các Cơ quan thuế đối tác theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP;

+ Thông tin do các cơ quan bộ, ngành trong nước cung cấp cho Cơ quan thuế;

+ Cơ sở dữ liệu của Cơ quan thuế trong quản lý rủi ro.

– Phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để phân tích, xác định khoảng giao dịch độc lập tuân thủ nguyên tắc phân tích, so sánh và các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, theo thứ tự ưu tiên lựa chọn dữ liệu so sánh như sau:

+ Đối tượng so sánh nội bộ của người nộp thuế;

+ Đối tượng so sánh cư trú cùng quốc gia, lãnh thổ với người nộp thuế;

+ Đối tượng ở các nước trong khu vực có điều kiện ngành và trình độ phát triển kinh tế tương đồng.

Trường hợp lựa chọn đối tượng so sánh nước ngoài tại các thị trường địa lý khác, phải phân tích tính tương đồng và các khác biệt trọng yếu định tính và định lượng theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

>>Xem thêm: Lập hóa đơn thay thế hóa đơn sai sót khi bị cưỡng chế nợ thuế

Trên đây là bài viết về: Cách xác định chi phí tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ TaxKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Kế toán thuế của chúng tôi.