Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the really-simple-ssl domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/slawkab8/taxkey.vn/DocumentRoot/wp-includes/functions.php on line 6114
Chấm dứt pháp nhân theo quy định của pháp luật hiện nay

Chấm dứt pháp nhân theo quy định của pháp luật hiện nay

Chấm dứt pháp nhân là việc chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức. Vậy pháp luật quy định thế nào về các hình thức chấm dứt pháp nhân? Căn cứ nào để chấm dứt một pháp nhân?


Chấm dứt pháp nhân là gì?

Là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách pháp nhân.

Các căn cứ làm chấm dứt pháp nhân được quy định tại Điều 96 Bộ luật dân sự 2015, tư cách chủ thể của pháp nhân bị chấm dứt từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng kí hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp nhân chấm dứt được thực hiện dưới hai hình thức: Giải thể và cải tổ pháp nhân.

Giải thể pháp nhân

Các căn cứ giải thể pháp nhân được quy định tại Điều 93 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập pháp nhân thì có thẩm quyền quyết định giải thể pháp nhân đó. Khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản của mình.

Pháp nhân giải thể trong trường hợp sau đây:

– Theo quy định của điều lệ;

– Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nguyên nhân dẫn đến việc giải thể pháp nhân có thể là: Đã thực hiện xong nhiệm vụ; đạt được mục đích khi thành lập pháp nhân đó đặt ra; hoạt động của pháp nhân trái với mục đích khi thành lập gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội, vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc sự tồn tại của pháp nhân không cần thiết nữa; khi thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ đã hết…

Phá sản pháp nhân

Việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

Tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phá sản là một hình thức “giải thể” đặc biệt đối với các pháp nhân là doanh nghiệp, nhằm giải quyết tình trạng làm ăn thua lỗ đến mức không có khả năng thanh toán nợ đến hạn (Luật phá sản doanh nghiệp) của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị phá sản chấm dứt sự tồn tại, như pháp nhân bị giải thể.


Cải tổ pháp nhân

Cải tổ pháp nhân là một hình thức chấm dứt pháp nhân thông qua việc tổ chức lại pháp nhân đó.

Cải tổ pháp nhân về bản chất là sự kế quyền tổng hợp giữa pháp nhân mới hình thành và pháp nhân ban đầu. Cải tổ khác giải thể ở chỗ giải thể chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân như là một chủ thể, các quyền và nghĩa vụ của nó chấm dứt thông qua việc thanh lí tài sản và không còn chủ thể kế tục quyền và nghĩa vụ của chúng. Cải tổ cũng chấm dứt sự hoạt động của pháp nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân mới. Giải thể kèm theo sự huỷ bỏ toàn bộ cơ cấu, tổ chức của pháp nhân. Cải tổ chỉ là việc sắp xếp lại tổ chức của pháp nhân, thực chất là chuyển cơ cấu tổ chức cho pháp nhân mới hoặc giảm cơ cấu tổ chức của pháp nhân.

Việc cải tổ pháp nhân có thể được thực hiện dưới các hình thức sau:

Hợp nhất pháp nhân

Khoản 1 Điều 88 BLDS quy định Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới. Việc hợp nhất theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

Hợp nhất pháp nhân (theo công thức A + B = C): Hai hay nhiều pháp nhân liên kết lại thành pháp nhân hoàn toàn mới, các pháp nhân ban đầu (A, B…) chấm dứt sự tồn tại. Quyền và nghĩa vụ của các pháp nhân ban đầu được chuyển giao cho pháp nhân mới (C). Việc hợp nhất pháp nhân phải được tiến hành như việc thành lập pháp nhân.

Sáp nhập pháp nhân

Việc sáp nhập pháp nhân được quy định tại ĐIều 89 BLDS. Theo đó, một pháp nhân có thể được sáp nhập vào một pháp nhân khác cùng loại theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

Sáp nhập pháp nhân thực hiện theo công thức A + B = A hoặc A + B = B. Pháp nhân được sáp nhập chấm dứt sự tồn tại, quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển cho pháp nhân sáp nhập.

Chia pháp nhân

Khoản 1 Điều 90 BLDS quy định một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Chia nhỏ pháp nhân (theo công thức A: 2 = B, C): Trên cơ sở pháp nhân ban đầu, hai hay nhiều pháp nhân được hình thành như những chủ thể độc lập của quan hệ dân sự. Quyền và nghĩa vụ của pháp nhân ban đầu được phân chia cho các pháp nhân mới hình thành.

Tách pháp nhân

Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động.

Tách pháp nhân (theo công thức A = A + B): một pháp nhân mới hình thành bằng cách tách một phần của pháp nhân đang tồn tại và nó vẫn tồn tại và hoạt động như khi chưa được tách. Pháp nhân A có năng lực chủ thể như cũ. Pháp nhân B có năng lực chủ thể hoàn toàn mới không phụ thuộc vào pháp nhân A thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó.

Chuyển đổi hình thức của pháp nhân

Pháp nhân có thể được chuyển đổi hình thức thành pháp nhân khác.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại; hợp tác xã chuyển đổi thành công ty hợp danh và ngược lại.

Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi.

Trên đây là nội dung Chấm dứt pháp nhân theo quy định của pháp luật hiện nay Lawkey gửi đến các bạn. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Phân tích các điều kiện của pháp nhân theo quy định của pháp luật

Comments are closed.