Chủ thể và đối tượng hợp đồng chuyển nhượng sở hữu công nghiệp

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là sự thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, một bên chuyển quyền sở hữu độc quyền sang cho bên kia, bên được chuyển giao phải thanh toán tiền cho bên chuyển giao theo thỏa thuận. Vậy chủ thể và đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng sở hữu công nghiệp được quy định thế nào?

Chủ thể của hợp đồng

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được giao kết giữa hai bên là bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng

Bên chuyển nhượng

Bên chuyển nhượng phải là chủ sở hữu đối tượng chuyển nhượng đó. Bên chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được pháp luật bảo vệ và phải đang còn trong thời hạn bảo hộ và phải đảm bảo việc chuyển giao không gây tranh chấp với bên thứ ba. Nếu xảy ra tranh chấp do việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp gây ra, bên chuyển nhượng phải chịu trách nhiệm giải quyết.

Trường hợp có nhiều chủ sở hữu của một quyền sở hữu công nghiệp thì việc chuyển nhượng phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu bất kể thuộc sở hữu chung theo phần hay sở hữu chung hợp nhất.

Bên nhận chuyển nhượng

Bên nhận chuyển nhượng có thể là cá nhân hay tổ chức có nhu cầu.

Riêng đối với việc chuyển nhượng nhãn hiệu thì bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nộp đơn mà pháp luật quy định đối với từng loại nhãn hiệu tương ứng. Bên nhận chuyển nhượng phải có giấy phép kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng

Thông thường, bên nhận chuyển nhượng nhãn hiệu phải đang trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm sẽ mang nhãn hiệu đó. Trong một số trường hợp, việc chuyển nhượng nhãn hiệu có thể được coi là hợp đồng đi kèm với hợp đồng chuyển nhượng sáng chế khi bên nhận chuyển nhượng muốn sản xuất ra sản phẩm theo sáng chế nhận chuyển nhượng và đồng thời gắn luôn lên đó nhãn hiệu mà chủ sở hữu trước đó đã dùng.

Xem thêm: Chủ thể của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan

Đối tượng của hợp đồng

– Sáng chế

– Kiểu dáng công nghiệp

– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

– Bí mật kinh doanh

– Nhãn hiệu

– Tên thương mại

Chỉ có các đối tượng nêu trên của quyền sở hữu công nghiệp mới có thể được chuyển nhượng thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Không được phép chuyển nhượng quyền đối với chỉ dẫn địa lý.

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu không được gây nên sự nhầm lẫn về đặc tính hoặc nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Đối với những trường hợp doanh nghiệp có nhãn hiệu trùng với tên thương mại của mình thì việc chuyển nhượng riêng nhãn hiệu có thể bị từ chối đăng ký. Bởi lẽ việc chuyển nhượng đó có thể khiến cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mang nhãn hiệu.

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu liên kết chỉ được thực hiện đồng thời với tất cả các nhãn hiệu liên kết

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng phải bảo đảm duy trì uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng đó.

Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Giống cây trồng cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên do nhiều đặc điểm pháp lí riêng biệt nên giống cây trồng không được xếp vào nhóm các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu giống cây trồng được điều chỉnh được các quy định riêng phù hợp với đặc thù của đối tượng đó.

Xem thêm: Đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả và quyền liên quan

Trên đây là nội dung Chủ thể và đối tượng hợp đồng chuyển nhượng sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

Chủ thể và đối tượng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp