Sử dụng dấu hiệu tương tự nhãn hiệu được bảo hộ có hợp pháp không?

Trường hợp dấu hiệu chữ tương tự với nhãn hiệu đã được bảo hộ có xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu không?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Công ty A của nước X là chủ sở hữu nhãn hiệu “CROWND và hình vương miện” cho các sản phẩm thuộc nhóm 28 tại Việt Nam (thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ đến năm 2020). Công ty A phát hiện trên thị trường có sản phẩm đồ chơi của công ty B sử dụng nhãn hiệu “CROWNd và hình vương miện” trên bao gói lớn và các gói nhỏ bên trong. Vậy, công ty B có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của công ty A không?

Luật sư tư vấn: 

Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu

Chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền tài sản sau đây:

– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu. Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

+ Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

+ Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ;

+ Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

– Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu, trừ trường hợp sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó.

– Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu và chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.

Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Xem thêm: Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm nhãn hiệu

Đối chiếu với tình huống của anh/chị:

Thứ nhất, về nhóm hàng hóa, dịch vụ của hai công ty

Căn cứ theo Bảng danh mục các nhóm hàng hóa dịch vụ dùng để đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu “CROWND và hình vương miện” được đăng ký cho các sản phâm thuộc nhóm 28 – nhóm trò chơi, đồ chơi.

Công ty B sử dụng nhãn hiệu “CROWNd và hình vương miện” trên bao gói lớn và các gói nhỏ bên trong sản phẩm đồ chơi của mình.

Dựa vào quy định đánh giá tính tương tự của hàng hóa, hai hàng hóa, sản phẩm của công ty A và công ty B bị coi là trùng nhau, do có bản chất gần giống nhau (đều là đồ chơi) và cùng chức năng, mục đích sử dụng.

Thứ hai, về khả năng phân biệt của nhãn hiệu “CROWNd” 

– Cấu trúc tên gọi “CROWNd”: gồm 6 ký tự, trong đó, cả 6 ký tự đều trùng với nhãn hiệu “CROWND” đã được bảo hộ và trật tự sắp xếp các từ giống nhau.

– Cách phát âm “CROWNd”: gồm 2 âm “CROWN”- “d”, trùng với cách phát âm của tên gọi “CROWND” (“CROWN” – “D”)

Có thể thấy, nhãn hiệu “CROWNd” của Công ty B tương tự với nhãn hiệu “CROWND” của công ty A về cấu trúc và cách phát âm.

Thứ ba, về hành vi xâm phạm

Dựa theo phân tích về khả năng phân biệt của hai nhãn hiệu và sự tương tự của hàng hóa, hành vi sử dụng nhãn hiệu của công ty B có thể bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu với lí do “Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ”, cụ thể: Sử dụng dấu hiệu “CROWNd” tương tự với nhãn hiệu “CROWND” được bảo hộ cho hàng hóa trùng nhau (sản phẩm đồ chơi)

Công ty B đã sử dụng dấu hiệu “CROWNd” gần giống với nhãn hiệu “CROWND” về cấu trúc và cách phát âm và có thể làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Lawkey. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Khả năng phân biệt của dấu hiệu hình trong nhãn hiệu

Khả năng phân biệt của dấu hiệu chữ trong nhãn hiệu

Nhãn hiệu: Khả năng phân biệt của dấu hiệu kết hợp

Comments are closed.