Khi có nhu cầu thay đổi nội dung dự án đầu tư ra nước ngoài thì nhà đầu tư thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Dưới đây là quy định cụ thể:
Hồ sơ điều chỉnh
Để điều chỉnh Giấy chứng nhận đã được cấp thì nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật đầu tư 2014. Cụ thể bao gồm:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư đến thời điểm nộp hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
– Quyết định điều chỉnh dự án đầu tư ra nước ngoài của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
– Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tính đến thời điểm nộp hồ sơ trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trình tự, thủ tục thực hiện
Việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đã được cấp được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 17 Nghị định 83/2015/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nhà đầu tư nộp 03 bộ hồ sơ theo quy định trên (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đăng ký thông tin đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Bước 2: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải được làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ để hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước
Bước này chỉ thực hiện đối với trường hợp dự án sau khi điều chỉnh có vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng trở lên.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quá thời hạn trên mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhận được văn bản trả lời, thì được hiểu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công.
Bước 4: Điều chỉnh thông tin
Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; đồng thời sao gửi Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ quản lý ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi nhà đầu tư đặt trụ sở chính.
Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thông báo từ chối điều chỉnh và nêu rõ lý do gửi nhà đầu tư.
Xem thêm: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.
Comments are closed.