Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Tổ chức kinh tế có thể ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức nhận ùy thác. Dưới đây là điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là gì?

Khái niệm này được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 135/2015/NĐ-CP.

Theo đó, ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là việc tổ chức kinh tế (sau đây gọi là tổ chức ủy thác) giao vốn bằng ngoại tệ cho tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư ở trong nước (sau đây gọi là tổ chức nhận ủy thác) thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư.

Trong đó, hợp đồng ủy thác đầu tư là thỏa thuận bằng văn bản giữa tổ chức ủy thác và tổ chức nhận ủy thác về việc tổ chức ủy thác giao vốn bằng ngoại tệ cho tổ chức nhận ủy thác thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.


Đối tượng được phép áp dụng ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 135/2015/NĐ-CP, tổ chức kinh tế chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác đầu tư cho các tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư, bao gồm: 

– Công ty quản lý quỹ;

– Ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, với các tổ chức tự doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài này còn hiệu lực, tổ chức tự doanh không được thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua tổ chức nhận ủy thác.


Điều kiện để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Tổ chức kinh tế chỉ được ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định 135/2015/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:

– Có lãi trong 03 năm liên tục liền trước năm thực hiện ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập bởi các tổ chức kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính (không áp dụng đối với quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán);

– Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có nợ thuế đối với ngân sách nhà nước.

– Có tài liệu chứng minh về nguồn ngoại tệ trên tài khoản để ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là ngoại tệ tự có.

– Có phương án đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được cấp có thẩm quyền của tổ chức kinh tế (đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và tương đương) hoặc cấp có thẩm quyền khác thông qua theo quy định của pháp luật.

– Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đối với trường hợp tổ chức ủy thác là tổ chức kinh tế có sở hữu vốn nhà nước).

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Comments are closed.