Giao dịch dân sự vô hiệu là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Vậy giao dịch dân sự vô hiệu là gì? Có những loại giao dịch vô hiệu nào?


Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu

Chỉ những giao dịch hợp pháp mới làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên và được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

Một giao dịch hợp pháp phải tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (trong một số trường hợp phải tuân thủ thêm điều kiện về hình thức). Vì vậy, về nguyên tắc, giao dịch không tuân thủ một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch thì sẽ bị vô hiệu.

Những quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lấp trật tự kỉ cương xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và Nhà nước, bảo đảm an toàn pháp lí cho các chủ thể trong giao lưu dân sự.

Xem thêm: Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự là ai?


Các loại giao dịch dân sự vô hiệu

Theo cách phân loại truyền thống, các trường hợp giao dịch bị vô hiệu có thể được phân thành 2 nhóm chính: Vô hiệu tuyệt đối ( vô hiệu đương nhiên) và vô hiệu tương đối ( vô hiệu bị tuyên)

Sự phân loại nêu trên dựa vào một số điểm khác biệt chung thể hiện bản chất của hai khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối:

Trình tự vô hiệu của giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối mặc nhiên bị coi là vô hiệu. Đối với các giao dịch vô hiệu tương đối thì không mặc nhiên vô hiệu mà chỉ trở nên vô hiệu khi có đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan và bị tòa án tuyên bố vô hiệu.

Thời hạn yêu cầu tuyên bố vô hiệu giao dịch

Đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối, thời hạn yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế.

Đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tương đối, thời hiệu khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Khoản 1 Điều 132 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) là 02 năm.

Trường hợp vô hiệu do vi phạm hình thức cũng thuộc nhóm vô hiệu tuyệt đối nhưng theo quy định về thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự tại Điều 132 thì thời hạn là 02 năm giống như các trường hợp vô hiệu tương đối. Do hiệu lực của giao dịch phụ thuộc vào ý chí của chủ thể mà không phải của Nhà nước.

Quyết định của tòa án tuyên vô hiệu giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối có thể bị vô hiệu không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án mà đương nhiên không có giá trị vì giao dịch vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên Nhà nước không bảo hộ.

Đối với giao dịch dân sự vô hiệu tương đối thì quyết định của Tòa án là cơ sở làm khiến giao dịch vô hiệu. Quyết định của tòa án mang tính chất phán xử.

Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc khi có đơn yêu cầu của các bên (hoặc của đại diện hợp pháp của họ). Bên yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước tòa các cơ sở của yêu cầu.

Ví dụ: Nếu một người yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu vì khi xác lập giao dịch đã bị lừa dối (hoặc bị đe dọa) thì bên yêu cầu phải có nghĩa vụ chứng minh trước tòa sự kiện lừa dối (hoặc đe dọa) mà bên kia gây ra đối với mình. Nếu một bên yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu vì lí do xác lập giao dịch trong thời điểm không nhận thức được hành vi của mình thì tòa án buộc bên yêu cầu phải chứng minh được rằng tại thời điểm xác lập giao dịch đó họ bị rơi vào trạng thái không nhận thức được hành vi của mình. Dựa trên những minh chứng đó tòa án mới cân nhắc ra quyết định giao dịch vô hiệu hay không.

Xem thêm: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân theo Bộ luật dân sự 2015

Mục đích

Các trường hợp pháp luật quy định giao dịch vô hiệu tuyệt đối nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công: lợi ích của nhà nước, của xã hội.

Trường hợp pháp luật quy định vô hiệu tương đối nhằm bảo vệ lợi ích cho các chủ thể tham gia giao dịch.


Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu tương đối

Giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu tương đối trong các trường hợp sau:

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Trên đây là nội dung Giao dịch dân sự vô hiệu là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Comments are closed.