Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the really-simple-ssl domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/slawkab8/taxkey.vn/DocumentRoot/wp-includes/functions.php on line 6114
Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật

Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật

Giao kết hợp đồng dân sự là gì? Giao kết hợp đồng dân sự hiện nay được pháp luật dân sự quy định thế nào? Nguyên tắc và trình tự giao kết hợp đồng dân sự gồm những nội dung gì?


Khái niệm hợp đồng

Điều 358 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.


Giao kết hợp đồng dân sự là gì?

Giao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền, nghĩa vụ dân sự.


Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

Khi giao kết hợp đồng, các chủ thể phải tuân theo các quy tắc chung được quy định tại Điều 3 BLDS

– Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

– Các bên tự nguyện và bình đẳng trong giao kết hợp đồng


Trình tự giao kết hợp đồng

Trình tự giao kết hợp đồng là quá trình mà trong đó các bên chủ thể bày tỏ ý chí với nhau bằng cách trao đổi ý kiến để đi đến thỏa thuận trong việc cùng nhau làm xác lập những quyền và nghĩa vụ dân sự đối với nhau. Trình tự này gồm hai giai đoạn

Đề nghị giao kết hợp đồng

Khoản 1 Điều 386 quy định: Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (bên được đề nghị). Người đề nghị phải đưa ra những điều khoản của hợp đồng một cách cụ thể và rõ ràng. Việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Bên đề nghị có thể trực tiếp trao đổi với bên được đề nghị hoặc có thể thông qua điện thoại, công văn, giấy tờ qua bưu điện,..

Để đảm bảo quyền lợi cho bên được đề nghị, Khoản 2 Điều 386 BLDS quy định Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

Như vậy, lời đề nghị mặc dù chưa phải là hợp đồng nhưng ít nhiều có tính chất rang buộc đối với người đề nghị. Bên đề nghị vẫn có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong các trường hợp sau:

– Bên được đề nghị chưa nhận được đề nghị

– Bên đề nghị nêu rõ điều kiện được thay đổi hoặc rút lại đề nghị và điều kiện đó đã đến.

Chấp nhận giao kết hợp đồng

Điều 393 BLDS quy định Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng

Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.

Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.

Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng

Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.


Thông tin trong giao kết hợp đồng

Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.

 Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.

Bên vi phạm quy định nêu trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.


Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

– Do bên đề nghị ấn định;

– Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

– Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

– Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

– Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.


Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

– Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

– Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới.


Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.


Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

– Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

– Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

– Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

– Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

– Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

– Theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.


Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất

Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.


Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Trường hợp bên đề nghị chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên đề nghị.


Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

Trường hợp bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng sau đó chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị, trừ trường hợp nội dung giao kết gắn liền với nhân thân bên được đề nghị.

Trên đây là nội dung Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Thực hiện hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật

Comments are closed.