Hết thời gian thử việc, người lao động có đương nhiên trở thành nhân viên chính thức ?

Kết thúc thời gian thử việc, người lao động có đương nhiên trở thành nhân viên chính thức của công ty ? Hãy cùng Taxkey giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.

Thời gian người lao động thử việc tối đa bao lâu ?

Căn cứ quy định Điều 25 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau: 

“Điều 25. Thời gian thử việc

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Như vậy, thời gian thử việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng chỉ được phép thử việc một lần đối với một công việc và phải đảm bảo thời gian thử việc tối đa không được vượt quá quy định của pháp luật tương ứng với tính chất và mức độ phức tạp của công việc. 

Kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động có đương nhiên trở thành nhân viên chính thức không?

Căn cứ Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc kết thúc thời gian thử việc như sau:

“Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Như vậy, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động buộc phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động biết. Nếu người sử dụng lao động thông báo thử việc đạt, các bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng lao động nếu trước đó chỉ ký hợp đồng thử việc hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký nếu trước đó thỏa thuận thử việc được ghi trong hợp đồng lao động. Lúc này, người lao động sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty. Còn nếu người sử dụng lao động thông báo thử việc không đạt, các bên sẽ chấm dứt luôn hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã ký.

Ngoài ra, căn cứ quyết định Án lệ số 20/2018/AL thì sau khi hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ đương nhiên xác lập quan hệ hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động vi phạm quy định về thử việc bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ Điều 12 Nghị định 12/2022/ NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về thử việc như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về thử việc

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng;

b) Không thông báo kết quả thử việc cho người lao động theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Do đó, tùy thuộc vào hành vi vi phạm, người sử dụng lao động phải chịu mức xử phạt tương ứng. Nếu kết thúc thời gian thử việc, người lao động thử việc đạt yêu cầu mà không được giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng; đồng thời buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Lưu ý: Căn cứ Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức mức xử phạt gấp 02 lần.

>>Xem thêm: Chế độ tai nạn lao động với người đang thử việc

Trên đây là bài viết: Hết thời gian thử việc, người lao động có đương nhiên trở thành nhân viên chính thức ? Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 02466565366 hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.