Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the really-simple-ssl domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/slawkab8/taxkey.vn/DocumentRoot/wp-includes/functions.php on line 6114
Hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định của pháp luật hiện nay

Hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định của pháp luật hiện nay

Hợp đồng lao động vô hiệu được pháp luật quy định như thế nào? Bộ luật lao động quy định việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào?


Hợp đồng lao động là gì?

Điều 15 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) quy định Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Xem thêm: Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hiện nay


Hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định của pháp luật

HĐLĐ vô hiệu toàn bộ

HĐLĐ vô hiệu toàn bộ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật

HĐLĐ có toàn bộ nội dung của hợp đồng trái pháp luật bị hủy bỏ khi có quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do toàn bộ nội dung của hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết HĐLĐ mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong thời gian từ khi tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ đến khi hai bên giao kết HĐLĐ mới thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật về lao động.

2. Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền

Người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền là người ký kết hợp đồng không thuộc một trong các đối tượng sau:

– Bên người sử dụng lao động

+ Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

+ Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã;

+ Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có sử dụng lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động;

+ Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền đối với cơ quan, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại điện của nước ngoài hoặc quốc tế đóng tại Việt Nam;

+ Chủ hộ hoặc người đại diện hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động;

+ Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

– Bên người lao động

+ Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;

+ Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;

+ Người lao động được nhóm người lao động ủy quyền giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, kèm theo danh sách họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động ủy quyền.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do người ký kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính hoặc nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị, chi nhánh của doanh nghiệp chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động ký lại hợp đồng lao động theo đúng thẩm quyền.

Nội dung của HĐLĐ ký lại theo đúng thẩm quyền là nội dung mà người lao động và người sử dụng lao động đã thỏa thuận trong HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

HĐLĐ được ký lại theo đúng thẩm quyền có hiệu lực kể từ ngày ký.

Thời gian người lao động bắt đầu làm việc theo HĐLĐ do người ký kết không đúng thẩm quyền cho đến khi ký lại HĐLĐ theo đúng thẩm quyền thì quyền và lợi ích của mỗi bên được thực hiện theo thỏa thuận trong HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu do người ký kết không đúng thẩm quyền.

Thời gian người lao động bắt đầu làm việc theo HĐLĐ do người ký kết không đúng thẩm quyền cho đến khi ký lại hợp đồng lao động theo đúng thẩm quyền được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do công việc mà hai bên đã giao kết trong HĐLĐ là công việc bị pháp luật cấm, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết HĐLĐ mới theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp không giao kết được HĐLĐ mới thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất cứ mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm có quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.

4. Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu toàn bộ do nội dung của HĐLĐ hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm giao kết HĐLĐ mới theo quy định của pháp luật về lao động.

HĐLĐ vô hiệu từng phần

HĐLĐ vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.

Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Điều 10 Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

– Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật. Trong thời gian từ khi tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hai bên sửa đổi, bổ sung phần nội dung bị tuyên bố vô hiệu thì quyền và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật về lao động.

– Các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người sử dụng lao động và người lao động phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng lao động vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên thỏa thuận lại theo quy định này

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động nhưng tối đa không quá 12 tháng


Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Toà án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.


Khởi kiện hoặc khiếu nại đối với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Trường hợp không đồng ý với quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì người sử dụng lao động hoặc người lao động tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung Hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định của pháp luật hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Một số lỗi thường gặp khi soạn thảo hợp đồng lao động

Comments are closed.