Mức bồi thường tai nạn lao động theo quy định mới nhất

Người lao động bị tai nạn lao động ngoài mức hưởng chế độ còn được thêm một khoản bồi thường. Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH quy định về mức bồi thường tai nạn lao động.

Bồi thường tai nạn lao động

Việc bồi thường tai nạn lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH.

Đối tượng được bồi thường và nguyên tắc bồi thường

Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động.

Khi đáp ứng được điều kiện này thì người lao động được bồi thường tai nạn lao động theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH.

Việc bồi thường đối với người lao động bị tai nạn lao động được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

Mức bồi thường tai nạn lao động

Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động được tính như sau:

♣ Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

♣ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH:

Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}

Trong đó:

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 11% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;

– a: Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.

Xem thêm: Trình tự hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động theo quy định mới nhất

Mức hỗ trợ phục hồi chức năng lao động theo quy định mới nhất


Trợ cấp tai nạn lao động

Người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư 04/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:

Trường hợp áp dụng

Người lao động bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:

– Tai nạn lao động mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động;

– Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn).

Nguyên tắc trợ cấp

Việc trợ cấp được thực hiện từng lần; tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.

Mức trợ cấp

Khi thuộc các trường hợp trên, người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động với mức hưởng như sau:

– Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động;

– Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tra bảng theo mức bồi thường tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc tính theo công thức dưới đây:

Ttc = Tbt x 0,4

Trong đó:

– Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);

– Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).

Xem thêm: Mức hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định mới nhất

Chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.