Quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, một số ngành nghề khi kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Dưới đây là quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Quy định chung về ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Điều 7 Luật đầu tư 2014 có quy định chung nhất về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể như sau:

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật này.

Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều này và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Điều kiện để được kinh doanh ngành, nghề có điều kiện 

Cá nhân, tổ chức kinh tế được quyền kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư 2014 kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh.

Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 118/2015/NĐ-CP:

Giấy phép kinh doanh

Giấy phép kinh doanh đôi khi còn được gọi là “Giấy phép con”. Được hiểu là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tiến hành một hoặc một số hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực. 

Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ có tính chất thông hành mà có nó thì các cá nhân, các tổ chức kinh doanh được hoạt động một cách hợp pháp. Doanh nghiệp buộc phải có các giấy phép này khi hoạt động những lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” theo quy định của Luật Đầu tư. 

Giấy phép kinh doanh còn được sử dụng như một hình thức hạn chế kinh doanh đối với những ngành, nghề, lĩnh vực nhất định.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh

Thông thường, đây là các điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất hoặc con người của cơ sở đó. Khi chủ thể kinh doanh đã đáp ứng được những điều kiện đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp cho họ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chủ thể kinh doanh mới được phép kinh doanh trong ngành nghề, lĩnh vực đó.

Những loại giấy chứng nhận phổ biến hiện nay có thể kể đến như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…

Chứng chỉ hành nghề

Chứng chỉ hành nghề là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về một ngành, nghề nhất định.

Đối với những ngành nghề có điều kiện này, doanh nghiệp phải có người hoạt động trong ngành nghề đó có chứng chỉ hành nghề.

Tùy vào từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được quy định trong pháp luật chuyên ngành mà yêu cầu số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề và vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong doanh nghiệp cũng khác nhau.

Chẳng hạn như:

– Yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề: Giám đốc của doanh nghiệp. Hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.

– Yêu cầu giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề: Giám đốc của doanh nghiệp. Và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.

– Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.

Vốn pháp định

Yêu cầu về vốn pháp định thường được đặt ra đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm tài sản cao của doanh nghiệp hoặc các ngành, nghề có yêu cầu có cơ sở vật chất lớn.

Ví dụ, Luật kinh doanh bất động sản quy định doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 20 tỷ đồng mới được hoạt động lĩnh vực này.

Mục đích của yêu cầu về mức vốn tối thiểu này nhằm xác định năng lực hoạt động trong ngành, lĩnh vực đó của doanh nghiệp. Và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có giao dịch với doanh nghiệp đó.

Ngoài những điều kiện vừa nêu trên, có thể còn một số điều kiện khác

 – Văn bản xác nhận;

– Phải lập dự án và được phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp để bắt đầu kinh doanh.

– Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định.

Lưu ý:

Mọi cá nhân, tổ chức đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh đều có quyền được cấp giấy phép. Hoặc được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh khi đáp ứng điều kiện quy định. Trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức và nêu rõ lý do từ chối.

Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính để được cấp giấy phép. Hoặc thực hiện các điều kiện đối với trường hợp thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản. Doanh nghiệp không phải ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Xem thêm: Điều kiện thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài

Điều kiện cho phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh có điều kiện” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.