Nhãn hiệu chứng nhận

Chủ nhãn hiệu chứng nhận có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu trong quá trình chứng nhận hàng hóa, dịch vụ đủ tiêu chuẩn mang và có nghĩa vụ kiểm soát sự tuân thủ sử dụng quy chế của cá nhân, tổ chức. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về loại nhãn hiệu này?

Nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Đây là nhãn hiệu mà chủ sở hữucho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.

Quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.

Văn bằng bảo hộ và hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ là mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu.

Về việc đăng ký

Tài liệu, mẫu vật, thông tin xác định nhãn hiệu cần bảo hộ trong đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

– Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu, gồm những nội dung chủ yếu sau:

+ Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu;

+ Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu;

+ Các đặc tính của hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu;

+ Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu;

+ Chi phí mà người sử dụng phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có.

Quy chế sử dụng nhãn hiệu còn phải làm rõ các vấn đề sau đây:

– Các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu;

– Nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…);

– Quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …);

– Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Cơ chế giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung pháp lý Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Phân loại nhãn hiệu