Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ dân sự đó. Vậy quyền và nghĩa vụ của họ được hiểu thế nào?
Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là gì?
Mọi quan hệ pháp luật đều là mối liên hệ pháp lí giữa các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó được thể hiện dưới dạng quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Vì vậy, nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ đó.
Quyền của một bên tương ứng với nghĩa vụ của bên kia tạo thành mối liên hệ biện chứng, mâu thuẫn và thống nhất trong một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể. Không có quyền của một bên thì cũng không có nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Trong những quan hệ đơn giản, có thể dễ dàng xác định trong đó một bên chỉ có quyền và một bên chỉ có nghĩa vụ (người cho vay và người vay tài sản…). Nhưng thông thường, các quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ phức tạp, trong đó các bên có quyền đồng thời có nghĩa vụ với nhau (trong quan hệ mua bán, cho thuê tài sản…).
Quyền dân sự
Theo quy định của pháp luật, quyền dân sự là cách xử sự được phép của người có quyền năng.
Quyền dân sự của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật dân sự cụ thể khác nhau thì có nội dung khác nhau (những xử sự khác nhau phù hợp với nội dung của quan hệ đó).
Chủ thể quyền trong các quan hệ dân sự có thể thực hiện những hành vi khác nhau phù hợp với nội dung, mục đích của quyền năng đó như chủ sở hữu có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình trong khuôn khổ pháp luật quy định… Thông qua hành vi của mình thoả mãn quyền của mình hoặc quyền yêu cầu người khác (người có nghĩa vụ) thực hiện các hành vi nhất định (trả tiền, chuyển giao tài sản, làm hoặc không làm một việc…). Chủ sở hữu có thể thực hiện quyền của mình thông qua hành vi của người khác (uỷ quyền).
Khi quyền dân sự bị vi phạm, chủ thể quyền có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ mà pháp luật cho phép (tự bảo vệ, các biện pháp tác động…) hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của mình khi quyền đó bị xâm hại.
Trong khoa học pháp lí tồn tại khái niệm quyền chủ quan và quyền khách quan. Quyền khách quan là quyền dân sự được pháp luật quy định cho các chủ thể, là nội dung năng lực pháp luật của chủ thể (khả năng có thể có của chủ thể). Quyền chủ quan là quyền dân sự của chủ thể trong một quan hệ dân sự cụ thể đã được xác lập. Quyền chủ quan phải phù hợp với quyền khách quan mà pháp luật đã quy định.
Xem thêm: Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự là ai?
Nghĩa vụ dân sự
Là cách xử sự bắt buộc của người có nghĩa vụ. Cách xử sự của các chủ thể cũng rất khác nhau tùy theo từng quan hệ dân sự cụ thể. Trong các quy phạm pháp luật dân sự, các quy phạm tùy nghi cho phép các chủ thể lựa chọn cách thực hiện khi tham gia vào quan hệ dân sự phát huy quyền tự định đoạt của mình. Các quy phạm mệnh lệnh dưới dạng “cấm không được làm” hoặc “phải làm” có một ý nghĩa đặc biệt.Từ các quy phạm này, phát sinh nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự. Những nghĩa vụ dạng này do pháp luật quy định cho tất cả các bên tham gia vào quan hệ dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với các bên tham gia mà đó còn là nghĩa vụ của các chủ thể và có ý nghĩa đối với Nhà nước, đối với xã hội.
Thông thường, trong các quan hệ dân sự, nghĩa vụ của một chủ thể tương ứng với quyền của chủ thể khác – những chủ thể xác định. Người có nghĩa vụ có thể phải thực hiện những hành vi tích cực dưới dạng hành động (như trả tiền, giao vật trong mua bán; thực hiện công việc trong dịch vụ, gia công…).
Trong một số trường hợp, nội dung của quan hệ pháp luật quy định người có nghĩa vụ có thể lựa chọn cách thức xử sự có lợi nhất cho họ. (Ví dụ: Để bồi thường thiệt hại do hành vi gây thiệt hại gây ra, người có nghĩa vụ có thể bồi thường bằng tiền hoặc hiện vật hay sửa chữa đồ vật bị hư hỏng). Nếu người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của họ một cách tự nguyện sẽ bị “buộc” phải thực hiện đúng nghĩa vụ đó. Ngoài ra, nếu do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
Trên đây là nội dung Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Comments are closed.