Nội dung quyền hưởng dụng theo quy đinh của pháp luật

Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Vậy Bộ luật dân sự 2015 quy định nội dung quyền hưởng dụng là gì?


Quyền hưởng dụng là gì?

Đối với tài sản, trong các quan hệ xã hội, có những chủ thể chỉ hướng tới nhu cầu được khai thác, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản hay vì xác lập quyền sở hữu với tài sản. Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định khái niệm quyền hưởng dụng tại điều 257 như sau: Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể nhưng việc hưởng lợi ích từ việc khai thác tài sản đó lại thuộc quyền của chủ thể khác.

Xem thêm: Quyền hưởng dụng là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015


Nội dung quyền hưởng dụng

Quyền của người hưởng dụng

Người hưởng dụng có các quyền sau:

– Tự mình hoặc cho phép người khác khai thác, sử dụng, thu hoa lợi, lợi tức từ đối tượng của quyền hưởng dụng.

– Yêu cầu chủ sở hữu tài sản thực hiện nghĩa vụ sửa chữa đối với tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản; trường hợp thực hiện nghĩa vụ thay cho chủ sở hữu tài sản thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu tài sản hoàn trả chi phí.

– Cho thuê quyền hưởng dụng đối với tài sản.

Xuất phát từ bản chất vật quyền của quyền hưởng dụng là sự phân tách một phần nội dung của quyền sở hữu đối với tài sản, đó là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức (quyền hưởng các lợi ích vật chất, kinh tế từ tài sản), chủ thể quyền hưởng dụng có toàn quyền được thực hiện các hoạt động này đối với tài sản. Hơn nữa, vì đây là quyền của chính họ, được pháp luật ghi nhận và bảo hộ (không thuộc trường hợp theo sự cho phép của chủ sở hữu trong các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng) nên người hưởng dụng được quyền cho thuê quyền hưởng dụng, được quyền cho người khác thực hiện việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.

Ví dụ: con được bố mẹ chuyển giao quyền hưởng dụng đối với chiếc xe ô tô thuộc sở hữu của bố mẹ thì con có quyền sử dụng chiếc xe hoặc cho phép người khác sử dụng, cho thuê chiếc xe để thu tiền thuê, người thuê xe được quyền sử dụng chiếc xe hoặc người con có thể cho người khác thuê chính quyền hưởng dụng đối với chiếc xe đó để người thuê có thể sử dụng, khai thác lợi tức từ chiếc xe.

Nghĩa vụ của người hưởng dụng

Người hưởng dụng có các nghĩa vụ sau:

– Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định.

– Khai thác tài sản phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

– Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình.

– Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

– Hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu khi hết thời hạn hưởng dụng.

Việc thực hiện quyền hưởng dụng phải đảm bảo khai thác phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản, giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của mình. Nghĩa vụ này của người hưởng dụng để đảm bảo tài sản sau thời gian hưởng dụng không bị giảm sút nghiêm trọng về giá trị, chất lượng. Từ đó, quyền của chủ sở hữu tài sản cũng được đảm bảo.

Để đảm bảo chất lượng của tài sản, người hưởng dụng phải thực hiện nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo định kì. Đối với việc sửa chữa tài sản để bảo đảm tài sản không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản thuộc nghĩa vụ của chủ sở hữu.Tuy nhiên, trường hợp chủ sở hữu không thực hiện nghĩa vụ này, người hưởng dụng có thể thực hiện thay và sau đó yêu cầu chủ sở hữu hoàn trả chi phí mà người hưởng dụng đã thanh toán để thực hiện nghĩa vụ.

Khi hết thời hạn hưởng dụng, chủ thể có quyền hưởng dụng có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu. Trường hợp quyền hưởng dụng đã hết thời hạn nhưng chưa đến kì thu hoa lợi, lợi tức thì đến kì hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.


Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản

Tuy không có quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời gian quyền hưởng dụng của chủ thể hưởng dụng đang còn hiệu lực nhưng chủ sở hữu tài sản vẫn có những quyền nhất định đối với tài sản đó, cụ thể:

– Định đoạt tài sản nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã được xác lập.

– Yêu cầu Tòa án truất quyền hưởng dụng trong trường hợp người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.

– Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

– Thực hiện nghĩa vụ sửa chữa tài sản để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản.

Để đảm bảo giá trị của tài sản, tránh việc suy giảm nghiêm trọng chất lượng, chủ sở hữu có quyền yêu cầu tòa án truất quyền hưởng dụng của người hưởng dụng nếu họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người hưởng dụng. Trong thời gian có hiệu lực của quyền hưởng dụng, chủ sở hữu tài sản không được cản trở, thực hiện hanh vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng dụng.

Ví dụ: Nếu người hưởng dụng căn nhà cho thuê căn nhà, chủ sở hữu không có quyền yêu cầu người thuê phải thực hiện các nghĩa vụ hoặc điều kiện với mình mới cho phép người thuê nhà được quyền sử dụng căn nhà. Bởi trong thời gian này, chủ sở hữu không có quyền sử dụng và khai thác lợi ích kinh tế từ căn nhà đó.

Do quyền hưởng dụng chỉ là sự phân tách việc khai thác và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, ngay cả trong thời gian hưởng dụng cảu chủ thể hưởng dụng, chủ sở hữu vẫn có đầy đủ quyền định đoạt đối với tài sản. Do đó, chủ sở hữu hoàn toàn được định đoạt tài sản theo ý chí của mình. BLDS quy định khi chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt tài sản phải đảm bảo không được làm thay đổi quyền hưởng dụng đã xác lập cho người hưởng dụng.

VÍ dụ: chủ sở hữu có quyền bán căn hộ thuộc sở hữu của mình cho người khác nhưng người mua căn hộ không có quyền sử dụng, khai thác căn hộ nếu thời hạn quyền hưởng dụng đối với căn hộ vẫn còn đang có hiệu lực và thuộc về chủ thể khác.


Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức

Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực.

Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.

Trên đây là nội dung Nội dung quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Quyền đối với bất động sản liền kề là gì? theo quy định hiện hành

Nội dung quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định pháp luật