Phân loại giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Phân loại giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 được hiểu như thế nào? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này theo những nội dung dưới đây.


Tất cả các giao dịch dân sự đều có điểm chung tạo thành bản chất của giao dịch: Đó là ý chí của chủ thể tham gia giao dịch. Căn cứ vào các bên tham gia vào giao dịch có thể phân biệt giao dịch dân sự thành hai loại là hợp đồng và hành vi pháp lí đơn phương.

Hợp đồng dân sự

Điều 388 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Hợp đồng dân sự là loại giao dịch dân sự phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Thông thường hợp đồng có hai bên tham gia trong đó thể hiện sự thống nhất ý chí của các chủ thể trong một quan hệ cụ thể như mua bán, cho thuê… nhưng cũng tồn tại hợp đồng có nhiều bên tham gia như tổ hợp tác, hộ gia đình…. Mỗi bên trong hợp đồng có thể có một hoặc nhiều chủ thể tham gia. Trong hợp đồng ý chí của một bên đòi hỏi sự đáp lại của bên kia, tạo thành sự thống nhất ý chí của các bên, từ đó mới hình thành được hợp đồng.

Do vậy, hợp đồng dân sự là sự thoả thuận ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. “Thoả thuận” vừa là nguyên tắc, vừa là đặc trưng của hợp đồng dân sự và được thể hiện trong tất cả các giai đoạn của quan hệ hợp đồng – từ giao kết đến thực hiện hoặc sửa đổi, chấm dứt hợp đồng dân sự.


Hành vi pháp lí đơn phương

Hành vi pháp lí đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Thông thường, hành vi pháp lí đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể duy nhất (lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế). Có thể có nhiều chủ thể cùng tham gia vào một bên của giao dịch (hai cá nhân, tổ chức cùng tuyên bố hứa thưởng…). Trong nhiều trường hợp hành vi pháp lí đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lí khi có những người khác đáp ứng được những điều kiện nhất định do người xác lập giao dịch đưa ra. Những người này phải đáp ứng được các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ của người xác lập giao dịch (hứa thưởng, thi có giải…). Hành vi pháp lí đơn phương là một giao dịch cho nên nội dung và hình thức phải phù hợp với các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 122 BLDS).


Giao dịch dân sự có điều kiện

Giao dịch có điều kiện là giao dịch mà hiệu lực của nó phát sinh hoặc huỷ bỏ phụ thuộc vào sự kiện nhất định. Khi sự kiện đó xảy ra thì giao dịch phát sinh hoặc huỷ bỏ. Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch do chính người xác lập giao dịch định ra (trong hợp đồng thì điều kiện đó do chính các bên thoả thuận). Nó phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện đó xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong giao dịch. Sự kiện làm phát sinh hoặc huỷ bỏ giao dịch phải hợp pháp. Quy định giao dịch dân sự có điều kiện (Điều 125 BLDS ) cho phép chủ thể thực hiện tốt hơn các quyền dân sự của họ.

Giao dịch có thể xác lập với điều kiện phát sinh hoặc điều kiện huỷ bỏ. Giao dịch có điều kiện phát sinh là giao dịch đã được xác lập nhưng chỉ phát sinh hiệu lực khi có sự kiện được coi là điều kiện xảy ra. Giao dịch có điều kiện huỷ bỏ là giao dịch được xác lập và phát sinh hiệu lực nhưng khi có sự kiện là điều kiện xảy ra thì giao dịch bị huỷ bỏ.

Xem thêm: Sự kiện bất khả kháng trong quan hệ dân sự

Trên đây là nội dung Phân loại giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Phân loại quan hệ pháp luật dân sự theo Bộ luật dân sự 2015

Comments are closed.