Các quy định chung về pháp luật kế toán hiện hành như thế nào? Hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán bị xử phạt ra sao?
Kế toán là gì?
Theo Luật Kế toán 2015, kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Hiểu đơn giản, kế toán là quá trình xác định, ghi chép, tổng hợp và báo cáo các thông tin kinh tế cho những người ra quyết định.
Mục đích của kế toán trong doanh nghiệp là để:
– Cung cấp các thông tin hữu ích cho việc đề ra các quyết định về kinh tế và để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
– Nắm rõ về pháp luật kinh doanh, pháp luật kế toán, chính sách thuế, đáp ứng được nhu cầu nhân lực thực tiễn về kế toán của các doanh nghiệp
Quy định chung về pháp luật kế toán
Luật Kế toán 2015 có quy định như sau:
Quy định về chữ viết, chữ số
Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
Doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài hoặc của tổ chức nước ngoài phải chuyển báo cáo tài chính về công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài hoặc sử dụng chung phần mềm quản lý, thanh toán giao dịch với công ty mẹ, tổ chức ở nước ngoài được sử dụng dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ; khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị được đặt dấu chấm (.) và phải chú thích trong tài liệu, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, báo cáo tài chính nộp cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác phải thực hiện theo quy định về chữ số của pháp luật kế toán Việt Nam.
Quy định về đơn vị tiền tệ
Theo quy định của Luật Kế toán 2015 và Nghị định 174/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán có quy định:
Đơn vị tiền tệ sử dụng kế toán là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”.
– Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, đơn vị kế toán phải đồng thời theo dõi nguyên tệ và quy đổi ra Đồng Việt Nam để ghi sổ kế toán trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ khác có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam và ngoại tệ cần quy đổi
– Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ để kế toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi lập báo cáo tài chính sử dụng tại Việt Nam, đơn vị kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đơn vị kế toán được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính.
Quy định về kỳ kế toán
Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng và được quy định như sau:
– Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế
– Kỳ kế toán quý là 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý
– Kỳ kế toán tháng là 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.
Ngoài ra, Luật Kế toán 2015 còn có quy định cụ thể về các trường hợp đặc biệt như kỳ kế toán đối với đơn vị kế toán mới thành lập; đối với đơn vị kế toán khi bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản; đối với trường hợp được phép cộng gộp kỳ kế toán các năm.
Quy định về chế độ kế toán
Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán ủy quyền ban hành.
Có thể chia các quy định về chế độ kế toán như sau:
– Chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ: Thông tư 132/2018/TT-BTC
– Chế độ kế toán đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ: Thông tư 133/2016/TT-BTC
– Chế độ kế toán doanh nghiệp: Thông tư 200/2014/TT-BTC
– Chế độ kế toán đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp: Thông tư 107/2017/TT-BTC
– Chế độ kế toán áp dụng đối với bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam: Thông tư 177/2015/TT-BTC
Đối với mỗi chế độ kế toán đều có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng áp dụng của từng loại.
Xử phạt hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán
Nghị định 41/2018/NĐ-CP có quy định về các biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định chung về pháp luật kế toán, cụ thể:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
– Áp dụng sai quy định về chữ viết; chữ số trong kế toán
– Áp dụng sai quy định về đơn vị tiền tệ trong kế toán
– Áp dụng sai quy định về kỳ kế toán
– Áp dụng sai chế độ kế toán mà đơn vị thuộc đối tượng áp dụng
Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì áp dụng mức phạt tiền gấp 02 lần (từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi ban hành, công bố chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, chế độ kế toán không đúng thẩm quyền. Mức phạt này áp dụng với tổ chức vi phạm.
Trên đây là nội dung LawKey chia sẻ về Quy định chung về pháp luật kế toán hiện hành. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline của LawKey để được tư vấn. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc!
Comments are closed.