Cá nhân có quyền như thế nào đối với hình ảnh của mình?

Cá nhân có quyền như thế nào đối với hình ảnh của mình? Pháp luật quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh như thế nào?


Tóm tắt câu hỏi:

Tôi thấy 01 tấm ảnh cưới rất to của tôi và chồng treo trên tầng 2 của tiệm ảnh cưới mà vợ chồng tôi đã chụp năm ngoái. Sau đó tôi đã vào website của tiệm ảnh và cũng thấy ảnh cưới của chúng tôi được đặt ở đầu trang web. Vậy xin hỏi, việc tiệm ảnh sử dụng ảnh cưới của vợ chồng tôi như vậy có hợp pháp không?


Luật sư tư vấn: 

Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:

Vấn đề pháp lý liên quan

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS). Cụ thể:

– Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

+ Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

+ Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Các trường hợp sử dụng hình ảnh không phải xin phép

Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Làm gì khi quyền hình ảnh bị xâm phạm?

Khoản 3 Điều 32 BLDS quy định Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định pháp luật thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân

Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.

“Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh; lời nói; chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý; trừ trường hợp được pháp luật cho phép.”

Trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị

Đối chiếu với quy định trên thì việc tiệm ảnh sử dụng ảnh cưới của vợ chồng bạn mà không có sự đồng ý của vợ chồng bạn là sai. Bạn có thể yêu cầu tiệm ảnh gỡ bỏ ảnh đó xuống hoặc thỏa thuận với tiệm ảnh việc trả thù lao cho vợ chồng bạn vì việc đăng ảnh quảng cáo này có mục đích thương mại.

Trên đây là nội dung Cá nhân có quyền như thế nào đối với hình ảnh của mình? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm:  Cá nhân có quyền thay đổi tên không? theo quy định của pháp luật

Comments are closed.