Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định của pháp luật

Công chứng viên là chủ thể cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Vậy quyền và nghĩa vụ của công chứng viên được quy định thế nào? Pháp luật cho phép công chứng viên có những quyền gì? 

Công chứng viên là ai?

Khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định “Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.”

Xem thêm: Công chứng viên và tiêu chuẩn công chứng viên theo quy định hiện nay

Công chứng viên có quyền gì?

Công chứng viên có các quyền sau đây:

– Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng;

– Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng;

– Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật công chứng 2014;

– Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;

– Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;

– Các quyền khác theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Nghĩa vụ của công chứng viên là gì?

Công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây:

– Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng, gồm:

+ Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

+ Khách quan, trung thực.

+ Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

– Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;

– Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

– Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;

– Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;

– Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;

– Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên. Tổ chức này có các hoạt động:

+ Ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;

+ Giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;

+ Tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng;

+ Tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.

– Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Phân biệt phòng công chứng và văn phòng công chứng

Comments are closed.