Thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm theo quy định pháp luật

Quyền tác giả theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định giới hạn về việc sử dụng tác phẩm, cụ thể là việc trích dẫn hợp lý và sao chép tác phẩm. Tuy nhiên, thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm theo quy định của luật?

1. Một số vấn đề về quyền tác giả và tác phẩm

Tác giả là ai?

Tác giả gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Tác phẩm là gì?

Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả như: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình; tác phẩm báo chí, âm nhạc,… 

Quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó:

– Quyền nhân thân gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả

– Quyền tài sản gồm các quyền như: Làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;…

Đối với quyền tài sản, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, pháp luật có quy định giới hạn của quyền tác giả là các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Trong đó, việc trích dẫn hợp lý tác phẩm thuộc một trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Xem thêm: So sánh quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả

2. Quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm

Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về việc trích dẫn hợp lý tác phẩm như sau:

– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình. Trong đó, phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

– Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;

– Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân trích dẫn tác phẩm còn phải đáp ứng các điều kiện:

– Không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm;

– Không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

– Phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Ngoài ra, tính hợp lý của việc trích dẫn tác phẩm còn căn cứ vào số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Tuy nhiên cần lưu ý, việc trích dẫn tác phẩm nêu trên không áp dụng đối với việc sao lại tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

Trên đây là nội dung tư vấn để các bạn tham khảo. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey.

Comments are closed.