Thủ tục giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật

Để giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị những hồ sơ gì? Và thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào?

Điều kiện giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện

Điều 213 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về điều kiện chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được chấm dứt hoạt động bởi một trong hai trường hợp:

+ Theo quyết định của chính doanh nghiệp đó

+ Theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi đó, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện bị chấm dứt hoạt động liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Doanh nghiệp có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động thực hiện một số công việc chính như: chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện

Thành phần hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện bao gồm:

–   Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-22, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);

–   Quyết định của doanh nghiệp về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện bao gồm quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của chủ sở hữu hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

–   Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;

–   Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

–   Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

–   Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

–   Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký hoạt động quy định tại Phụ lục II-19 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT (trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương);

–   Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế của chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương).

Thủ tục giải thể

Trình tự thực hiện:

– Khi chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh /văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh.

– Doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.

Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).                                         

Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là bài viết về thủ tục giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách đầy đủ nhất.

Comments are closed.