Trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải nếu lái xe gây tai nạn chết người

Hiện nay có rất nhiều vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra mà lỗi do lái xe được doanh nghiệp vận tải thuê. Vậy pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải nếu lái xe gây tai nạn chết người?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

Trách nhiệm bổi thường thiệt hại về tinh thần là trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường khoản tiền cho người bị thiệt hại.

Trong trường hợp lái xe gây tai nạn thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cả chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe gây tai nạn. Trách nhiệm bồi thường này được quy định ở cả pháp luật về dân sự và pháp luật về hình sự.

Xác định trách nhiệm bồi thường về dân sự

Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu những phương tiện giao thông vận tải.

Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, khi đó người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên nếu chủ sở hữu cho người lái xe mượn mà không rõ mục đích, biết rõ lái xe không có bằng lái vẫn cho mượn, cho thuê,.. có thể người chủ xe sẽ bị liên đới trách nhiệm bồi thường.

Xác định trách nhiệm về hình sự

Trong trường hợp có xảy ra tai nạn giao thông, việc xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự trước pháp luật sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi, bên nào có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gây tai nạn của mình.

Trường hợp xác định được lỗi thuộc về người lái xe khi điều khiển ô tô thì căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan CSGT, kết luận của cơ quan CSĐT, lời khai của nhân chứng, kết quả giám định pháp y để xác định xem người điều khiển xe ô tô có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hay không.

Trường hợp xác định được lỗi thuộc về chủ sở hữu, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 263, 264 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trên đây là nội dung bài viết trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải nếu lái xe gây tai nạn chết người. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ LawKey để được giải đáp chi tiết. 

Comments are closed.