Sử dụng kiểu dáng công nghiệp gần giống với người khác được không?

Hành vi sử dụng kiểu dáng công nghiệp gần giống với kiểu dáng của người khác có phải hành vi xâm phạm kiểu dáng công nghiệp không?

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư, tôi muốn xin tư vấn về vấn đề sau: Công ty A chuyên sản xuất đèn bàn và các loại đèn trang trí. A đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đối với các kiểu dáng đèn trang trí và vẫn đang trong thời hạn bảo hộ. Công ty B sản xuất đèn có kiểu dáng gần giống với công ty A và bán ra thị trường. Trong trường hợp này, công ty B có xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của công ty A không?

Luật sư tư vấn:

Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu sáng công nghiệp

Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp:

– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm

Để xác định được một hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp thì phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị, Lawkey đưa ra một số phân tích sau:

Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Kiểu dáng công nghiệp đèn bàn của công ty A là đối tượng đang được bảo hộ. Hiện nay, văn bằng bảo hộ này vẫn còn hiệu lực.

Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

Theo thông tin anh/chị cung cấp, sản phẩm đèn bàn của công ty B có kiểu dáng công nghiệp gần giống với kiểu dáng công nghiệp đèn bàn của công ty A. Việc sản phẩm của công ty B gần giống kiểu dáng đèn bàn của công ty A làm cho người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm của công ty A và đâu là sản phẩm của công ty B. Như vậy, yếu tố xâm phạm là sản phẩm có hình dáng bên ngoài không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ của công ty A.

Thứ ba, công ty B không phải là chủ thể quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hành vi của công ty B không thuộc các trường hợp ngoại lệ.

Thứ tư, hành vi của công ty B xảy ra tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy hành vi của công ty B đã đáp ứng đủ cả 4 điều kiện nêu trên. Công ty B đã có hành vi xâm phạm đến quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đèn bàn của công ty A.
Để bảo vệ quyền và lợi ích của công ty mình, công ty A có thể thực hiện các biện pháp như: biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự.

Xem thêm: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, xin vui lòng liên hệ lawkey để được tư vấn.

Comments are closed.