Xử lý tình trạng doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm cho lao động

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không thực hiện việc chốt sổ cho người lao động. Vậy phải xử lý tình trạng doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm cho lao động như thế nào?

Trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm của doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 47 Bộ Luật lao động 2012, doanh nghiệp có trách nhiệm xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. 

Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có thể kéo dài thời hạn nêu trên nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:

– Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.

– Doanh nghiệp hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

– Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ Luật lao động 2012 hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ Luật lao động 2012.

Xem thêm: Những việc doanh nghiệp cần làm khi chấm dứt hợp đồng lao động


Xử lý tình trạng doanh nghiệp không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho lao động

Để đảm bảo quyền lợi của mình, khi hết thời hạn nêu trên mà không được doanh nghiệp chốt sổ BHXH sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi quyền lợi cho mình.

Doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

– Từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.

– Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động.

– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động.

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động.

– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Xem thêm: Bồi thường chi phí đào tạo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ giải đáp.

Comments are closed.