Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong kiểm toán

Quy định về xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong kiểm toán là nội dung đề cập tại Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023 về Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

Quy định về xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong kiểm toán

Theo Điều 17 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023, Hội đồng thẩm định tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định tại Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, như sau:

– Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

– Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Kiểm toán nhà nước.

– Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) ký gửi các cơ quan theo quy định.

– Kết thúc cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán.

Công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được quy định như sau:

– Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

– Việc công khai Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của Kiểm toán nhà nước về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

(Điều 18 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023)

Yêu cầu đối với Đoàn kiểm toán trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Căn cứ tại Điều 7 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN ngày 16/5/2023, Đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cần đáp ứng những yêu cầu sau:

– Tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống CMKTNN, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, các văn bản pháp luật và quy định của Kiểm toán nhà nước có liên quan.

– Nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động, tích cực phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tội phạm;

Xử lý kịp thời, hiệu quả các thông tin phản ánh, tố cáo sai phạm, tham nhũng, tố giác về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tố giác tội phạm.

– Tổ chức tiến hành các công việc theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN. 

Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ghi chép, tập hợp đầy đủ kết quả kiểm toán cụ thể của từng bước công việc vào hồ sơ kiểm toán; tăng cường ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, kỹ thuật công nghệ cao; thực hiện bảo mật thông tin theo quy định.

– Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán thường xuyên giám sát, kiểm tra công việc của các thành viên Đoàn kiểm toán để đánh giá kết quả kiểm toán, rà soát và đánh giá bằng chứng kiểm toán, rút kinh nghiệm và quyết định các công việc tiếp theo; 

Chỉ đạo, hướng dẫn thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 07/2023/QĐ-KTNN.

>>Xem thêm: Mức phạt đối với hành vi chậm gửi báo cáo định kỳ trong hoạt động kiểm toán

Trên đây là bài viết về: Xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong kiểm toán. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ TaxKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Kế toán thuế của chúng tôi.