Chắc hẳn trong đời sống hiện nay, không ai là không một lần nhìn thấy hóa đơn. Tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn còn chưa hiểu hết về hóa đơn cũng như các loại hóa đơn. Chính vì vậy, LawKey sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Khái niệm và các nội dung bắt buộc của hóa đơn
Về khái niệm:
Hóa đơn được hiểu là chứng từ do người bán lập, trong đó ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Về nội dung:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC, trên hóa đơn phải thể hiện các nội dung bắt buộc sau:
– Tên loại hóa đơn;
– Ký hiệu mẫu số hóa đơn và ký hiệu hóa đơn;
– Tên liên hóa đơn;
– Số thứ tự hóa đơn;
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
– Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
– Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính; số lượng; đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ;
– Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn;
– Tên tổ chức nhận in hóa đơn;
– Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt.
2. Các hình thức của hóa đơn
Hiện nay, hóa đơn được tồn tại chủ yếu dưới hai hình thức là hóa đơn giấy (bao gồm hóa đơn đặt in và hóa đơn tự in) và hóa đơn điên tử.
– Hóa đơn giấy là loại hóa đơn truyền thống, có thể do doanh nghiệp đặt in hoặc tự in theo mẫu chung do Bộ tài chính quy định.
– Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử.
Lưu ý: Doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn đã mua đến hết ngày 31 tháng 10 năm 2020. Sau thời gian này, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
3. Các loại hóa đơn hiện nay trong doanh nghiệp
Một là, hóa đơn giá trị gia tăng:
Hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn được doanh nghiệp sử dụng phổ biến nhất, dành cho các tổ chức khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ trong các hoạt động sau:
– Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.
Xem thêm: Sự khác nhau giữa hóa đơn bán hàng và hóa đơn giá trị gia tăng
Hồ sơ hợp lý hóa chi phí không có hóa đơn giá trị gia tăng
Hai là, hóa đơn bán hàng:
Hóa đơn bán hàng là loại hóa đơn được dùng cho các đối tượng sau:
– Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài;
– Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.
Ba là, các loại hóa đơn khác như tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…
– Tem bao gồm nhiều loại như tem thư, tem hải quan, tem thuế…là những mảnh giấy nhỏ, hình chữ nhật, thể hiện giá trị cụ thể của từng loại.
– Phiếu thu tiền bảo hiểm là loại chứng từ được dùng để thể hiện khoản thu bảo hiểm, đây cũng là một loại hóa đơn được dùng khá phổ biến hiện nay.
Xem thêm: Cách xử lý trường hợp xuất hóa đơn khi mã số thuế bị đóng
Bốn là, các loại phiếu thu, chứng từ thu
Bạn cũng có thể gặp khá nhiều loại hóa đơn này trên thị trường, có thể kể đến như phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng…, hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về các loại hóa đơn hiện nay được dùng trong doanh nghiệp mà TaxKey gửi đến các bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể gọi điện cho chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn pháp lý hoặc cung cấp dịch vụ kế toán thuế.
Comments are closed.