Trường hợp nào thì doanh nghiệp được cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động? Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động?
Các trường hợp cấp lại giấy phép
Doanh nghiệp đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động trong các trường hợp sau đây:
– Thay đổi một trong các nội dung của giấy phép đã được cấp, gồm: tên doanh nghiệp; địa chỉ trụ sở chính; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
– Giấy phép bị mất hoặc bị cháy;
– Giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép.
Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 29/2019/NĐ-CP:
Trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính hoặc giấy phép bị hư hỏng không còn đầy đủ thông tin trên giấy phép
Hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
– Giấy phép đã được cấp trước đó.
Trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật
Hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Bản lý lịch tự thuật của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật là người nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp phiếu lý lịch tư pháp của Việt Nam thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp.
Các văn bản nêu trên được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.
– Văn bản chứng minh thời gian đã làm việc của người đại diện theo pháp luật là một trong các loại văn bản sau:
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bâu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Trường hợp các văn bản quy định tại điểm a, điểm b Khoản này là văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt.
– Giấy phép đã được cấp trước đó.
Trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị cháy
Hồ sơ bao gồm:
– Các tài liệu như đối với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật;
– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh cho thuê lại lao động theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
– Giấy xác nhận về việc bị mất hoặc bị cháy của chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc.
Trình tự, thủ tục thực hiện
Hồ sơ sau khi được chuẩn bị đầy đủ theo quy định trên, doanh nghiệp mang nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp lại giấy phép.
Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép thực hiện theo trình tự, thủ tục cấp giấy phép lần đầu.
Xem thêm: Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Comments are closed.