Chủ thể của hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định của pháp luật

Chủ thể của hợp đồng vận chuyển tài sản gồm những ai? Pháp luật dân sự quy định các chủ thể này có quyền và nghĩa vụ như thế nào?


Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì?

Điều 530 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Như vậy, Chủ thể của hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định của pháp luật gồm bên vận chuyển, bên thuê vận chuyển và bên nhận tài sản

Xem thêm: Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì? theo quy định của pháp luật


Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển

Nghĩa vụ của bên vận chuyển

Điều 534 BLDS quy định bên vận chuyển có những nghĩa vụ sau:

– Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn. Phải thực hiện hợp đồng đúng thời hạn quy định, vận chuyển tài sản đến địa điểm và giao cho người có quyền nhận đã được chỉ dẫn trong hợp đồng. Bên vận chuyển có nghĩa vụ giữ gìn, bảo quản tài sản trên đường vận chuyển và kể từ khi nhận tài sản đến khi giao cho bên nhận tài sản

– Giao tài sản cho người có quyền nhận đúng địa điểm.

– Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại về hàng hóa vận chuyển theo quy định của pháp luật.

– Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trường hợp bên vận chuyển mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường theo quy định, nếu số tiền bảo hiểm không đủ khắc phục toàn bộ thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường phần còn lại đó.

Quyền của bên vận chuyển

Căn cứ theo quy định tại điều 535 BLDS, bên vận chuyển có những quyền sau:

– Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác. Trước khi thực hiện việc vận chuyển, bên vận chuyển có quyền kiểm tra số lượng, chất lượng, tình trạng tài sản mà mình sẽ vận chuyển theo hợp đồng. 

– Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

– Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.

– Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.


Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

Bên thuê vận chuyển có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.

Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

Điều 536 BLDS quy định Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển như sau:

– Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.

– Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.

– Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.

– Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.

+ Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.

+ Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.

Quyền của bên thuê vận chuyển

Điều 537 BLDS cho phép bên thuê vận chuyển có quyền sau:

– Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.

– Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.

– Yêu cầu bên vận chuyển giao tài sản cho người thứ ba đúng thời hạn (nếu có thỏa thuận)

– Nếu tài sản bị hư hỏng, mất mát trong quá trình vận chuyển không phải lỗi của mình thì bên thuê vận chuyển có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại.


Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản

Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.

Nghĩa vụ của bên nhận tài sản

Căn cứ theo quy định tại Điều 539 BLDS, bên nhận tài sản có nghĩa vụ sau:

– Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.

– Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

– Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản.

– Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.

Quyền của bên nhận tài sản

Pháp luật cho phép bên nhận tài sản có quyền sau:

– Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến.

– Nhận tài sản được vận chuyển đến.

– Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao.

– Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng.

Trên đây là nội dung Chủ thể của hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định của pháp luật Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định hiện nay

Hợp đồng vận chuyển hành khách là gì? theo quy định của pháp luật

Comments are closed.