Có được cầm cố căn cước công dân không? Cầm cố căn cước công dân bị xử lý như thế nào?

Cá nhân có được cầm cố thẻ Căn cước công dân không? Nếu không được cầm cố, cá nhân bị xử phạt như thế nào ? Hãy cùng Taxkey giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây:

Căn cước công dân là gì?

Khái niệm Căn cước công dân

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về khái niệm Căn cước công dân như sau:

1. Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dântheo quy định của Luật này.

Nhân dạng cá nhân là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác (khoản 2 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014).

Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân

Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân 

Căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Thẻ Căn cước công dân gồm thông tin sau đây:

a) Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn;

b) Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Tóm lại, có thể hiểu Căn cước công dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, trong đó phải ghi rõ và đầy đủ thông tin của công dân.

Hành vi cầm cố thẻ Căn cước công dân là hành vi bị nghiêm cấm

Căn cứ khoản 7 Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về hành vi bị nghiêm cấm như sau:

“Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

9. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.”

Như vậy, hành vi cầm cố, nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, người nào thực hiện hành vi trên sẽ  bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cầm cố căn cước công dân bị xử lý như thế nào?

Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ -CP hành vi cầm cố thẻ Căn cước công dân bị xử lý như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.”

Như vậy, hành vi cầm cố thẻ Căn cước công dân là hành vi bị nghiêm cấm, người nào cấm cố hoặc nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng; đồng thời người vi phạm còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm .

>> Xem thêm: Thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân khi đến tuổi theo quy định

Trên đây là bài viết: Có được cầm cố căn cước công dân không? Cầm cố căn cước công dân bị xử lý như thế nào? Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.