Con cái “vay nóng”, cha mẹ có nghĩa vụ trả nợ thay cho con không ?

Con cái nợ nần vay tiền “tín dụng đen” thì cha mẹ có nghĩa vụ trả nợ thay cho con cái không? Hãy cùng Taxkey giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây:

Năng lực hành vi dân sự của con khi tham gia xác lập giao dịch được quy định như thế nào ?

Căn cứ Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau:

Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, trách nhiệm trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của con cái như sau:

– Người chưa đủ 06 tuổi:

Các giao dịch dân sự của người chưa đủ 06 tuổi do người đại diện của người đó xác lập, thực hiện.

– Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:

Các giao dịch dân sự phải do do người đại diện đồng ý; Được tự thực hiện các giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

– Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi:

Được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự; Riêng các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

– Người từ đủ 18 tuổi trở lên:

Đây là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được tự mình xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, trong trường hợp con cái đã thành niên nhưng rơi vào các trường hợp quy định Điều 22, Điều 23 và Điều 24 BLDS 2015 thì khi tham gia giao dịch dân sự cần có người đại diện theo pháp luật của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Vi vậy, căn cứ khoản 1 Điều 125 BLDS 2015 thì giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2.

>> Xem thêm: Ai có nghĩa vụ trả nợ thay người bị tuyên bố mất tích?

Con cái vay tiền, bố mẹ có nghĩa vụ trả nợ thay cho con không?

Từ phân tích trên, trường hợp con cái chưa đủ 15 tuổi, con thành niên nhưng rời vào trường hợp quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 BLDS 2015 thì giao dịch vay tiền của con cái sẽ vô hiệu. Về giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu, người con có trách nhiệm trả lại tài sản cho bên cho vay, tuy nhiên, nếu người con không có tài sản để hoàn trả thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thay cho con cái.

Căn cứ Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ cho con cái như sau:

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, nếu con cái từ đủ 15 tuổi trở lên mà vay nợ thì cha mẹ không có nghĩa vụ trả nợ thay cho con, trừ trường hợp cha mẹ tự nguyện trả nợ thay cho con. Tuy nhiên, trong trường hợp con cái chưa đủ 15 tuổi mà vay nợ, không còn tài sản để hoàn trả thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thay cho con theo quy định của pháp luật (bao gồm trường hợp con cái 15 tuổi nhưng không đủ tài sản để trả nợ).

>> Xem thêm: Con cái có được trả nợ thay cho bố mẹ không?

Trên đây là bài viết: Con cái “vay nóng”, cha mẹ có nghĩa vụ trả nợ thay cho con không ? Nếu còn gì thắc mắc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.