Đặt cọc, ký cược, ký quỹ theo quy định của pháp luật dân sự

Đặt cọc, ký cược, ký quỹ là gì? Pháp luật dân sự hiện nay quy định thế nào về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này?


Đặt cọc

Đặt cọc là gì?

Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 ( BLDS) quy định Đặt cọc là việc một bên ( bên đặt cọc) giao cho bên kia (bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Đối tượng của đặt cọc

Đối tượng của đặt cọc là những vật có giá trị hoặc các vật thông thường khác mà một bên giao trực tiếp cho bên kia. Đối tượng đặt cọc là tiền thì vừa mang chức năng bảo đảm, vừa mang chức năng thanh toán. Vì vậy, việc đặt cọc phải được lập thành văn bản trong đó phải xác định rõ số tiền đặt cọc, số tài sản đặt cọc,..

Chủ thể của đặt cọc

Trong biện pháp đặt cọc, tùy theo thỏa thuận mà bên này hoặc bên kia là người đặt cọc. Bên đặt cọc là bên dùng tiền hoặc vật có giá trị khác của mình giao dịch cho bên kia giữ để bảo đảm việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Bên nhận tiền hoặc tài sản là bên nhận đặt cọc.

Nội dung của đặt cọc

Tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên và căn cứ vào thời điểm đặt cọc với thời điểm được coi là giao kết của hợp đồng được bảo đảm bằng biện pháp đặt cọc để xác định mục đích của việc đặt cọc. Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, xử lý tài sản đặt cọc chỉ áp dụng nếu có một trong hai bên không thực hiện các điều khoản đã cam kết ( kể cả việc giao kết hợp đồng) hoặc không thực hiện hợp đồng. Nếu có một bên thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng thì tài sản đặt cọc không đương nhiên thuộc về bên bị vi phạm. Tài sản đó có thể được dùng để thanh toán nghĩa vụ còn lại do thực hiện không đúng, không đầy đủ hợp đồng và còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận khác của các bên.


Ký cược

Biện pháp ký cược được quy định tại Điều 329 BLDS, cụ thể:

Ký cược là gì?

Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

Hình thức của ký cược

Pháp luật không quy định hình thức bắt buộc đối với biện pháp này. Tuy nhiên, nếu tài sản ký cược có giá trị lớn, các bên thường phải xác lập bằng hình thức văn bản hoặc lập biên bản về bàn giao tài sản theo hình thức giấy biên nhận. Ngoài ra, nếu hợp đồng cho thuê động sản được xác lập bằng văn bản thì các bên có thể thỏa thuận việc ký cược được ghi nhận bằng các điều khoản trong nội dung của hợp đồng thuê tài sản.

Chủ thể của ký cược

Chủ thể của ký cược bao gồm 2 bên, trong đó bên ký cược là bên đã giao tài sản ký cược cho bên kia. Bên ký cược có thể đồng thời là bên thuê tài sản, có thể là người thứ ba tùy thuộc vào sự chấp nhận của bên cho thuê. Bên nhận ký cược là bên đã nhận tài sản ký cược để bảo đảm cho việc trả lại tài sản đã cho thuê và luôn là bên cho thuê tài sản.

Tài sản ký cược

Tài sản ký cược là các loại tài sản thuộc sở hữu của bên ký cược và được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, tài sản ký cược chỉ bao gồm tiền, các vật là động sản hiện có ( không thể là các quyền tài sản, bất động sản, vật hình thành trong tương lai) vì bên ký cược phải giao tài sản ký cược cho bên nhận ký cược một cách thực tế.

Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

Xem thêm: Hợp đồng thuê tài sản là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015


Ký quỹ

Điều 330 BLDS quy định về biện pháp ký quỹ, cụ thể:

Ký quỹ là gì?

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Hình thức và thủ tục ký quỹ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Chủ thể của ký quỹ

Chủ thể trong quan hệ ký quỹ gồm hai bên:

– Bên ký quỹ là bên đã gửi một lượng tài sản vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng nhất định.

– Bên nhận ký quỹ là bên được thanh toán, bồi thường thiệt hại từ tài khoản đó nếu đến thời hạn mà bên kí quỹ không thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trong ký quỹ, ngân hàng được coi là chủ thể giữ tài sản ký quỹ và có nghĩa vụ phải thanh toán cho bên bị vi phạm nghĩa vụ bằng tài sản trong tài khoản ký quỹ.

Nội dung của ký quỹ

Tùy thuộc vào từng loại hợp đồng mà một hoặc cả hai bên phải mở một tài khoản ngân hàng nhưng không được sử dụng tài khoản đó khi hợp đồng chưa chấm dứt. Nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì ngân hàng nơi ký quỹ dùng tài khoản đó để thanh toán cho bên có quyền. Nếu bên có quyền bị thiệt hại do bên kia không thực hiện nghĩa vụ gây ra thì ngân hàng dùng tài khoản đó để bồi thường thiệt hại. Ngân hàng có quyền thu một khoản chi phí dịch vụ ngân hàng từ tài khoản đó trước khi thực hiện việc thanh toán và bồi thường.

Trên đây là nội dung Đặt cọc, ký cược, ký quỹ theo quy định của pháp luật dân sự Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Comments are closed.