Điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định hiện nay

Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của người lập di chúc, để di chúc có hiệu lực thực thi phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Vậy Điều kiện có hiệu lực của di chúc gồm những gì?


Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể

Người lập di chúc là người từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chức nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

Pháp luật nước ta công nhận người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Vì vậy, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, thành phần… Người từ đủ 18 tuổi đều có quyền lập di chức để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế.

Tuy nhiên, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (người có năng lực hành vi một phần) có thể lập di chức nhưng với điều kiện “lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý” ( khoản 2 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.) Sự đồng ý ở đây là sự đồng ý cho họ lập di chức. Còn về nội dung di chúc, họ được toàn quyền quyết định.

Xem thêm: Quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật


Người lập di chúc tự nguyện

Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ. Sự thống nhất trên chính là sự thống nhất giữa mong muốn chủ quan- mong muốn bên trong của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó. Vì vậy việc phá vỡ sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và việc thể hiện ra bên ngoài  làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc. Sự thống nhất này có thể bị phá vỡ trong trường hợp người lập di chúc bị cưỡng ép, đe dọa hoặc di chúc do họ lập trên cơ sở bị lừa dối.

Cưỡng ép có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, giam giữ,.. ) hoặc về tinh thần (dọa làm 1 việc có thể làm mất danh dự, uy tín của người lập di chúc,..) Người lập di chúc có thể bị lừa dối bằng những thủ đoạn như: làm tài liệu giả để cho người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó mà để lại di sản cho người làm tài liệu giả,..


Nội dung của di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội

Nội dung của di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc về việc định đoạt tài sản của mình cho những người thừa kế. Người lập di chúc chỉ định người thừa kế, giao nghĩa vụ cho người thừa kế, phân định di sản thừa kế, đưa ra các điều kiện để chia di sản thừa kế. Ý chí của người lập di chúc phải phù hợp với các quy định của nhà nước và không trái với đạo đức xã hội, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự gồm: 

– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

– Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

– Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

– Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Xem thêm:  Di sản thừa kế là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015


Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật

Hình thức của di chúc là phương thức biểu hiện ý chí của người lập di chúc ( nội dung di chúc); là căn cứ pháp lí làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc; là chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho người được chỉ định trong di chúc. Vì vậy, di chúc phải được lập dưới một hình thức nhất định. Pháp luật quy định có hai loại là hình thức văn bản là loại di chúc được thể hiện dưới dạng chữ viết ( viết tay, đánh máy, in) có nhứng nhận hoặc không có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hình thức miệng: toàn bộ ý chí của người lập di chúc thể hiện bằng lời nói.

Di chúc miệng

Di chúc miệng (chúc ngôn) là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản của mình cho người khác sau khi mình chết.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. (Khoản 5 Điều 630 BLDS). Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. ( Khoản 2 ĐIều 629)

Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

– Di chúc bằng văn bản có công chứng.

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực

Ngoài ra, ĐIều 638 BLDS quy định di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực gồm:

– Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

– Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

– Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

– Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

– Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

– Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Thực tế cho thấy không phải bao giờ công dân cũng có điều kiện để lập di chúc viết. Trong trường hợp đó, pháp luật cho phép lập di chúc miệng. Tương tự như vậy, vì thiếu điều kiện khách quan, chủ quan mà công dân không thể lập di chúc bằng văn bản có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Họ lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng vẫn được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện nêu trên.

Trong thực tế có nhiều trường hợp do người lập di chúc không am hiểu pháp lập hoặc có nhiều lí do mà họ không thể đến cơ quan công chứng, ủy ban nhân dân xã phường thi trán để làm thủ tục chứng nhận. Do đó, pháp luật vẫn công nhận di chúc không công chứng, chứng thực là di chúc hợp pháp nếu người lập di chúc hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, nội dung không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trên đây là nội dung Điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Quy định về công chứng di chúc theo pháp luật hiện nay

Công chứng di chúc để lại tài sản là bất động sản ở đâu?