Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi hạn chế cạnh tranh. Vậy pháp luật quy định các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm như thế nào?
1. Khái niệm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyềnlà hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Trong đó, tác động hạn chế cạnh tranh là tác động loại trừ, làm giảm, sai lệch hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Xem thêm: Thủ tục đề nghị miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm
2. Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi sau đây:
- Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
- Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
3. Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật cạnh tranh 2018, doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:
- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
- Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
- Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
- Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
- Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
Xem thêm: Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo Luật cạnh tranh 2018
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.