Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the really-simple-ssl domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/slawkab8/taxkey.vn/DocumentRoot/wp-includes/functions.php on line 6114
Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hiện nay

Hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hiện nay

Hợp đồng lao động là gì? Hình thức và nội dung của hợp đồng lao động được pháp luật quy định thế nào? Chủ thể của hợp đồng lao động gồm những ai? Cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.


Hợp đồng lao động là gì?

Điều 15 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ) quy định Hợp đồng lao động (HĐLĐ) là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Phạm vi của HĐLĐ

HĐLĐ với tư cách là một trong những hình thức pháp lí để tuyển dụng lao động cho nên nó được áp dụng trong phạm vi đối tượng nhất định. Theo quy định, phạm vi đối tượng của HĐLĐ được áp dụng với tất cả người lao động làm việc trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện và có nhu cầu thuê mướn, sử dụng lao động, trừ phạm vi đối tượng sau đây:

– Những người thuộc đối tượng điều chỉnh là Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức ( những người đã là công chức, viên chức vẫn có thể tham gia quan hệ HĐLĐ nếu công việc của họ không bị pháp luật cấm)

– Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách, người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ;

– Người được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp nhà nước;

– Thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp;

– Những người thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hoạt động theo Quy chế của tổ chức đó;

– Cán bộ chuyên trách công tác đảng, công đoàn, thanh niên trong các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp;

– Xã viên Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương, tiền công;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và viên chức trong lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Xem thêm: Một số lỗi thường gặp khi soạn thảo hợp đồng lao động


Chủ thể của hợp đồng lao động

Chủ thể của HĐLĐ gồm người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó:

– Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo HĐLĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

– Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo HĐLĐ, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đối với từng trường hợp mà pháp luật có quy định riêng. Cụ thể:

+ Đối với người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam: Điều 169 BLLĐ

+ Đối với người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam: Điều 168 BLLĐ

Ngoài ra, trong một số trường hợp pháp luật quy định ngoại lệ về điều kiện chủ thể của HĐLĐ, ví dụ: sử dụng lao động dưới 15 tuổi để làm những công việc mà pháp luật cho phép; không được sử dụng lao động nữ, lao động tàn tật, lao động cao tuổi,.. làm những công việc mà pháp luật cấm.

Đối với người lao động, việc giao kết HĐLĐ mang tính trực tiếp, không được ủy quyền ( trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 BLLĐ Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) Đối với người sử dụng lao động, họ có thể ủy quyền cho người khác kí kết HĐLĐ, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân.


Hình thức của hợp đồng lao động

HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

HĐLĐ bằng văn bản được áp dụng cho các loại sau đây:

– HĐLĐ không xác định thời hạn

– HĐLĐ xác định thời hạn từ ba tháng trở lên

– HĐLĐ với người giúp việc gia đình (Điều 180 BLLĐ)

– HĐLĐ với nhân viên phục vụ làm thuê cho cơ sở kinh doanh Karaoke ( Khoản 6 Điều 32 Nghị định số 604/VBHN-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng)

HĐLĐ bằng lời nói do các bên thỏa thuận thông qua sự đàm phán thương lượng bằng ngôn ngữ mà không lập thành văn bản, quá trình giao kết có thể có hoặc không có người làm chứng tùy theo yêu cầu của các bên. Khi giao kết bằng lời nói, các bên đương nhiên phải tuân thủ pháp luật về giao kết HĐLĐ. HĐLĐ bằng lời nói được áp dụng đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng.

HĐLĐ bằng hành vi thể hiện thông qua hành vi của các chủ thể khi tham gia quan hệ. Ví dụ: hành vi làm việc của người lao động; hành vi bố trí công việc, trả lương của người sử dụng lao động.


Nội dung của hợp đồng lao động

HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

– Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;

– Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;

– Công việc và địa điểm làm việc;

– Thời hạn của hợp đồng lao động;

– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

– Chế độ nâng bậc, nâng lương;

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

– Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, thời tiết.

Nội dung của hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước do Chính phủ quy định.


Thời hạn của hợp đồng lao động

Trong các nội dung của HĐLĐ thì thời hạn của hợp đồng được pháp luật lao động quy định cụ thể và thực tế, đây cũng là vấn đề được các bên quan tâm. Thời hạn của HĐLĐ là khoảng thời gian có hiệu lực của HĐLĐ. Thời hạn của HĐLĐ bao gồm:

– HĐLĐ không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Loại hợp đồng này thường được áp dụng với công việc thường xuyên, lâu dài. Pháp luật quy định đối với loại hợp đồng này, người lao động có quyền chấm dứt không cần lí do.

– HĐLĐ xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

– HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Ngoài ra, BLLĐ còn quy định “Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.”

Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động vì đối với HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng trở lên thì chế độ, quyền lợi cũng như vấn đề việc làm của người lao động được đảm bảo và ổn định hơn, tuy nhiên trách nhiệm của người sử dụng lao động với người lao động và xã hội cũng cao hơn so với loại HĐLĐ dưới một năm ( về đảm bảo việc làm, đào tạo, bảo hiểm xã hội,..)

Khi HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng. hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì HĐLĐ có thời hạn 12 tháng đến 36 tháng đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng có thời hạn dưới 12 đã giao kết trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý về Phụ lục hợp đồng lao động

Những điểm cần lưu ý khi giao kết hợp đồng thử việc