Kiện đòi lại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

Kiện đòi lại tài sản là một trong các phương thức bảo vệ quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Vậy kiện đòi lại tài sản là gì? Pháp luật quy định thế nào về nội dung này?


Kiện đòi lại tài sản là gì?

Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình. Đòi lại tài sản là một trong những phương thức bảo vệ quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp.

Quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) như sau: Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, đối với những tài sản đang được chiếm hữu bởi chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản đó.


Những yêu cầu chung trong việc đòi lại tài sản

Đối với nguyên đơn

Người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản và phải chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp. Nguyên đơn cũng có thể là người có quyền khác đối với tài sản thông qua những căn cứ xác lập quyền được pháp luật quy định.

Về nguyên tắc chung, tài sản đang bị bị đơn chiếm giữ bất hợp pháp đã rời khỏi chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản ngoài ý chí của những người này (đánh rơi, bỏ quên, bị mất cắp,..) thì chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người đang chiếm hữu bất hợp pháp.

Trong phương thức kiện này, về nguyên tắc người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người có quyền khác với tài sản. Khi lấy lại tài sản, chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản không phải bồi thường một khoản tiền nào, trừ trường hợp người chiếm hữu không ngay tình phải bỏ ra chi phí hợp lí để sửa chữa tài sản, làm tăng giá trị của tài sản.

Đối với bị đơn

Bị đơn là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật không ngay tình

Người bị kiện phải trả lại tài sản là người đang thực tế chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật không ngay tình như tài sản do trộm cắp, cướp, lừa đảo mà có; biết tài sản đó là của gian nhưng vẫn mua hoặc nhặt được tài sản do chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đánh rơi, bỏ quên nhưng đã không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm thì người chiếm hữu bất hợp pháp phải tra lại tài sản cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp.Trong trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật không ngay tình nhưng đã giao tài sản cho người thứ ba thì người thứ ba cũng có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có yêu cầu hoàn trả.

Tóm lại, khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ thì những người đang thực tế chiếm hữu vật đều phải trả lại tài sản. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 581 BLDS, ngoài việc trả lại tài sản, những người này còn phải “hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”

Bị đơn là người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật ngay tình

Nếu bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình mà tài sản là động sản không phải đăng kí quyền sở hữu như thông qua một giao dịch có đền bù (mua bán) và theo ý chí của người chiếm hữu có căn cứ pháp luật như người mượn, thuê,.. của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, chủ sở hữu không được kiện đòi lại tài sản ở người đang thực tế chiếm hữu. Chủ sở hữu sẽ kiện người mình đã chuyển giao tài sản theo hợp đồng bồi thường thiệt hại vì đây là trách nhiệm theo hợp đồng.

Thực tế hiện nay việc lưu thông hàng hóa tự do và thị trường hàng hóa phong phú đa dạng và rộng lớn, người mua không thể biết được nguồn gốc tài sản, cho nên pháp luật cần phải bảo vệ họ; mặt khác, buộc những người có tài sản khi cho thuê, cho mượn, gửi giữ,.. phải có biện pháp bảo đảm

Nếu bị đơn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình đối với bất động sản và tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu đòi lại tài sản. Bởi vì đối với những tài sản này, người mua chỉ có quyền sở hữu khi sang tên đăng kí chuyển quyền sở hữu từ người chủ sở hữu. Người thực tế đang có tài sản phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và có quyền yêu cầu người chuyển giao vật cho mình hoàn trả tiền hoặc các lợi ích vật chất mà mình bị thiệt hại.

Trường hợp người chiếm hữu ngay tình thông qua giao dịch với chủ sở hữu theo quyết định của tòa án hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc mua thông qua bán đấu giá thi hành án nhưng sau đó những căn cứ trên không còn (bị hủy, bị sửa) thì người chiếm hữu ngay tình có quyền sở hữu tài sản đã mua. Những trường hợp này người mua và người bán hoàn toàn không có lỗi. Ngược lại, lỗi thuộc về cơ quan nhà nước, do vậy, cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm theo quy định về Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra (Điều 598 BLDS)

Chủ sở hữu có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại tài sản ở người mình đã chuyển giao thông qua hợp đồng dân sự. Người được chuyển giao tài sản đã lạm dụng tín nhiệm bán tài sản của người đã chuyển giao cho mình cho người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Người mua hoàn toàn không biết người bán là người không có quyền bán tài sản đó. Do vậy, xét về hành vi, ý thức của người thực tế chiếm hữu vật bất hợp pháp là họ không có lỗi trong việc mua bán. Luật cho phép người thứ ba ngay tình tiếp tục sử dụng tài sản đó là hợp lí và tránh được sự thông đồng giữa chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp để gây thiệt hại cho người thứ ba.


Các yếu tố để chủ sở hữu được lấy lại tài sản

Chủ sở hữu được lấy lại tài sản khi có đủ các yếu tố sau:

– Tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ hoặc theo ý chí của họ nhưng người thứ ba có vật thông qua giao dịch không đèn bù ( cho, tặng, thừa kế theo di chúc)

– Người thưc tế đang chiếm giữ tài sản là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình.

– Tài sản hiện đang còn trong tay người chiếm giữ bất hợp pháp.

– Tài sản không là bất động sản hoặc động sản phải đăng kí quyền sở hữu, trừ trường hợp có quy định khác.

Trên đây là nội dung Kiện đòi lại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Nội dung quyền hưởng dụng theo quy đinh của pháp luật

Quyền bề mặt là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay

Nội dung quyền đối với bất động sản liền kề theo quy định pháp luật

Comments are closed.