Notice: Function _load_textdomain_just_in_time was called incorrectly. Translation loading for the really-simple-ssl domain was triggered too early. This is usually an indicator for some code in the plugin or theme running too early. Translations should be loaded at the init action or later. Please see Debugging in WordPress for more information. (This message was added in version 6.7.0.) in /home/slawkab8/taxkey.vn/DocumentRoot/wp-includes/functions.php on line 6114
Những việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp công ty

Những việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các doanh nghiệp, công ty sẽ phải làm gì? Những việc cần làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty là gì? Sau đây, Taxkey sẽ giúp quý khách hàng giải đáp thắc mắc về vấn đề này.

1. Công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng bố cáo thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành nghề kinh doanh của công ty. 

Thời hạn doanh nghiệp cần thực hiện đăng bố cáo trên cổng thông tin quốc gia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt hành chính.

2. Thủ tục khắc dấu và phát hành mẫu dấu

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp, công ty sẽ tiến hành khắc dấu doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc làm con dấu. Doanh nghiệp công ty có thể tự khắc dấu hoặc đến cơ sở khắc dấu để làm con dấu. Trước khi sử dụng con dấu, công ty chỉ cần gửi thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

♣ Thủ tục thông báo mẫu dấu với Phòng Đăng ký doanh nghiệp:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.

Hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp.
  • Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.
  • Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).
  • Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác)

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ tại Phòng đăng kí doanh nghiệp.

Bước 3: Nhận được hồ sơ thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp. Và thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin mẫu con dấu của doanh nghiệp.

3. Treo biển hiệu

♣ Nội dung biển hiệu doanh nghiệp, công ty:

  • Tên doanh nghiệp
  • Mã số doanh nghiệp
  • Địa chỉ công ty
  • Điện thoại

Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào. 

♣ Hình thức biển hiệu: 

Biển hiệu tại trụ sở, nơi kinh doanh của doanh nghiệp có thể được thể hiện dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn neon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

♣ Vị trí lắp đặt biển hiệu:

Vị trí lắp đặt biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

4. Mua chữ ký số

Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử, dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Nó đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Mỗi tài khoản sử dụng đều có một cặp khóa bao gồm: Khóa Công khai và Khóa Bảo mật. Khóa Công khai dùng để thẩm định Chữ ký số, xác thực người dùng của Chữ ký số. Khóa Bảo mật dùng để tạo Chữ ký số. 

Việc áp dụng Chữ ký số đã giảm thiểu chi phí công văn giấy tờ theo lối truyền thống, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong hành lang pháp lý, giao dịch qua mạng với Cơ quan Thuế, Hải quan, Ngân hàng điện tử,… Một số nhà cung cấp chữ ký số ở Việt Nam: VIETTEL-CA, CK-CA, BKAV-CA, NEW-CA,…

5. Nộp tờ khai lệ phí môn bài và nộp lệ phí môn bài

Mức đóng lệ phí môn bài phụ thuộc vào mức vốn điều lệ. 

♣ Nộp tờ khai lệ phí môn bài: 

Thời hạn nộp tờ khai lệ phí môn bài: 

+ Nếu Doanh nghiệp chưa hoạt động ngay thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày Doanh nghiệp có giấy đăng ký kinh doanh.

+ Nếu hoạt động ngay thì doanh nghiệp phải nộp ngay trong tháng Doanh nghiệp có giấy đăng ký kinh doanh.

Nếu nộp tờ khai chậm, có thể bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ.

♣ Mức lệ phí môn bài mà doanh nghiệp, công ty phải nộp:

+ Nếu mức vốn điều lệ công ty từ 10 tỷ đồng trở lên: 3.000.000 đồng/năm. 

+ Nếu mức vốn điều lệ công ty nhỏ hơn 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm. 

Nếu doanh nghiệp mới thành lập sau ngày 01/07 thì thuế môn bài của năm đó chỉ phải đóng 50% mức cả năm.

♣ Thời hạn nộp lệ phí môn bài:

– Năm đầu thành lập: Trong vòng 30 ngày sau khi có giấy đăng ký kinh doanh và đã nộp Tờ khai môn bài. 

– Các năm tiếp theo: Trước ngày 30/01 hàng năm.

Lưu ý: Nếu nộp chậm lệ phí môn bài, sẽ bị xử phạt. Mức phạt được xác định như sau:

Số tiền phạt = số tiền thuế môn bài chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp

6. Mở tài khoản ngân hàng và thông báo số tài khoản ngân hàng lên Sở Kế hoạch và đầu tư

♣ Thủ tục mở tài khoản ngân hàng:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ mở tài khoản ngân hàng:

  • Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh (01 bản)
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc do người đại diện pháp luật ký và đóng dấu (01 bản)
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng do người đại diện pháp luật ký và đóng dấu (01 bản)
  • Bản sao CMTND hoặc hộ chiếu của người đại diện pháp luật (01 bản)
  • Bản sao CMTND hoặc hộ chiếu của kế toán trưởng (01 bản)
  • Thông báo chấp thuận mẫu dấu (01 bản)
  • Giấy đăng ký mở tài khoản (theo mẫu của từng ngân hàng)

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp mang hồ sơ và con dấu công ty đến ngân hàng. Ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục để mở tài khoản.

Bước 3: Nhận kết quả: 

Nhận mã số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp. Đóng tiền ký quỹ trong tài khoản ngân hàng. Số tiền tùy theo từng ngân hàng quy định. Sau khi có mã số tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải thông báo tới Sở Kế hoạch và đầu tư.

♣ Thủ tục thông báo mã số tài khoản ngân hàng lên Sở kế hoạch và đầu tư:

Doanh nghiệp điền thông tin vào thông báo tài khoản ngân hàng. Sau đó scan và nộp qua mạng điện tử. Khi việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã thành công thì in giấy biên nhận hồ sơ đã hợp lệ. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ghi trên thông báo Hồ sơ đăng ký qua mạng hợp lệ, doanh nghiệp mang toàn bộ hồ sơ gốc ( đã scan) nộp cho Sở kế hoạch và đầu tư để nhận “ Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do sở kế hoạch đầu tư cấp.

7. Khai thuế ban đầu

♣ Hồ sơ khai thuế ban đầu gồm:

  • Tờ khai lệ phí môn bài và giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
  • Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (02 bản).
  • Bản sao có chứng thực CMTND, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực của người đại diện theo pháp luật.
  • Công văn đăng ký hình thức kế toán và sử dụng hóa đơn.
  • Bảng đăng ký trích khấu hao tài sản cố định (nếu có tài sản cố định)
  • Đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng
  • Quyết định bổ nhiệm kế toán
  • Quyết định bổ nhiệm giám đốc
  • Đơn đề nghị đặt in hóa đơn đặt in

♣ Địa điểm nộp hồ sơ:

Doanh nghiệp nộp hồ sơ lên Chi cục thuế Quận (Huyện) tại nơi đặt trụ sở. Sau đó cơ quan thuế sẽ ra phiếu hẹn trả kết quả ” Chấp thuận đặt in hóa đơn” cho doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian này cơ quan thuế sẽ xuống kiểm tra trụ sở công ty xem Doanh Nghiệp có đủ điều kiện để đặt in hóa đơn hay không.

Khi có quyết định của cơ quan thuế là doanh nghiệp được kê khai theo phương pháp khấu trừ. Thì doanh nghiệp sẽ được phép đặt in hóa đơn.

8. Hoàn tất các thủ tục kinh doanh khác

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các thủ tục để xin cấp “giấy phép con”. Hay một số ngành nghề yêu cầu ký quỹ ngân hàng. 

9. Thực hiện góp vốn trong doanh nghiệp, công ty

Sau  khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên sẽ tiến hành thực hiện góp vốn số vốn đã cam kết góp. Các cổ đông sẽ tiến hành thủ tục thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua.

9.1. Trong Công ty cổ phần

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. 

Nếu sau thời hạn trên: 

  • Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty. Và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
  • Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán. Và không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. 
  • Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua

♣ Lập sổ đăng ký cổ đông:

Công ty cổ phần phải cấp Sổ đăng ký cổ đông. Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này.

 Sổ đăng ký cổ đông phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
  • Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại.
  • Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
  • Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cổ đông là cá nhân. Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức.
  • Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.

9.2. Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Nếu hết thời hạn trên:

  • Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
  • Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
  • Công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

♣ Lập sổ đăng ký thành viên:

Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký thành viên phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
  • Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân. Tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức.
  • Phần vốn góp, giá trị vốn đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn của từng thành viên.
  • Chữ ký của thành viên là cá nhân hoặc của người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức.
  • Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên.

9.3. Công ty TNHH một thành viên

Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn trên, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

>>>Xem thêm: Khái niệm và đặc điểm công ty TNHH một thành viên

9.4. Công ty hợp danh

Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

♣ Cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp:

Tại thời điểm góp đủ vốn như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty.
  • Vốn điều lệ của công ty.
  • Tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên. Loại thành viên.
  • Giá trị phần vốn góp và loại tài sản góp vốn của thành viên.
  • Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
  • Quyền và nghĩa vụ của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp.
  • Họ, tên, chữ ký của người sở hữu giấy chứng nhận phần vốn góp và của các thành viên hợp danh của công ty.

9.5. Doanh nghiệp tư nhân

Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

>>>>Xem thêm: Doanh nghiệp tư nhân và đặc điểm doanh nghiệp tư nhân

Trên đây là các công việc phải làm ngay sau khi thành lập doanh nghiệp, công ty, nếu có thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi. 

Comments are closed.