Những việc doanh nghiệp cần làm khi chấm dứt hợp đồng lao động

Chấm dứt hợp đồng lao động có thể do hết thời hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng,… Những việc doanh nghiệp cần làm khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như thế nào?

Chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động hết hạn

Hợp đồng hết hạn là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động 2012, trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp có trách nhiệm báo trước ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo về thời điểm hết hạn hợp đồng đến người lao động; nếu không, sẽ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500,000 đồng đến 1,000,000 đồng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.


Chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

Theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2012, trong trường hợp vì các lý do kinh tế hoặc vì có sự thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động; thì, trước hết, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động để lập Phương án sử dụng lao động.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Lưu ý là việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp và thông báo trước 30 ngày cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp (cụ thể là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp pháp) phải có văn bản Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với từng người lao động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.


Chấm dứt hợp đồng lao động do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật lao động 2012, trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Nếu không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.

Đối với những người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp bị Tổ chức lại giải quyết việc chấm dứt hợp đồng lao động, có văn bản Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với từng người cụ thể;

Đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ chi trả Trợ cấp mất việc làm cho họ.


Chấm dứt hợp đồng lao động theo thoả thuận của các bên

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, doanh nghiệp và người lao động có quyền cùng nhau thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là HĐLĐ).

Hiện nay, không có quy định cụ thể về việc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ là như thế nào và phải thực hiện làm sao. Do đó, nếu chủ quan khi thực hiện thỏa thuận sẽ rất dễ dẫn đến tranh chấp không mong muốn.

Chính vì thế, doanh nghiệp và người lao động cần phải lập thành văn bản thể hiện chi tiết thỏa thuận của đôi bên.

Xem thêm: Những nhầm lẫn hay gặp khi thực hiện hợp đồng lao động


Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Bộ luật lao động 2012 quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp người lao động hoặc chính người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật (thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 và tuân thủ thời hạn báo trước), doanh nghiệp trong thời hạn07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Đồng thời, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác đã giữ lại của người lao động.

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012 và phải báo trước cho người lao động biết trước:

– Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

– Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn được điều trị nhưng chưa hổi phục và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Trường hợp vi phạm quy định trên thì bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Khi xảy ra tình trạng này thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012: 

– Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường, người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc.

Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

– Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Những việc doanh nghiệp cần làm khi chấm dứt hợp đồng lao động” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.

Comments are closed.