Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

Chủ sở hữu đối tượng sở hữu đối tượng là một chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp. Pháp luật sở hữu trí tuệ đã quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Lawkey sẽ đưa ra một số nội dung pháp lý sau đây:

Quyền của chủ sở hữu được quy định tại các điều 123,124, 125 và Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Nghĩa vụ của chủ sở hữu được quy định tại các điều 135, 136, 137 Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:

Quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

Các đối tượng sở hữu công nghiệp có thể chia thành hai nhóm nếu dựa trên căn cứ về trình tự xác lập quyền đó là các đối tượng được xác lập dựa trên cơ sở cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, thiết kế bố trí mạch tích hợp và các đối tượng được xác lập tự động dựa trên thực tế khai thác và sử dụng chúng.

Với nhóm thứ nhất, chủ sở hữu chính là chủ văn bằng bảo hộ, là những người đứng tên là chủ sở hữu của các giấy chứng nhận đăng kí quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Với nhóm thứ hai thì chủ sở hữu là những người đang thực tế sử dụng, khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp và nếu có tranh chấp xảy ra thì họ phải chứng minh được quyền hợp pháp của mình trước các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp còn là người được chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc thông qua nhận di sản thừa kế.

Theo quy định của pháp luật chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có các quyền cơ bản như sau: 

Quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: Sử dụng, đưa đối tượng sở hữu công nghiệp vào khai tác để thu được các lợi ích từ chúng mang lại. Đây có thể xem như một trong những quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.

Quyền tạm thời đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp: Đây là quyền của người đăng kí bảo hộ các đối tượng đó được phát sinh từ ngày đơn đăng kí bảo hộ được nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được công bố công khai đến ngày được cấp bằng độc quyền đối với các đối tượng đó.

Quyền chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp: Trong thời gian bảo hộ, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp có quyền chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác. Quyền này phải được thực hiện dưới hình thức kí kết hợp đồng bằng văn bản.

Quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp: Có nhiều cách thức để chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt của mình như: chuyển nhượng quyền sở hữu, từ bỏ quyền sở hữu, để lại thừa kế, dịch chuyển quyền ( sáp nhập, hợp nhất, chia tách,..)

– Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh: Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Nghĩa vụ của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp

Bên cạnh việc ghi nhận và bảo hộ các quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, pháp luật cũng quy định các nghĩa vụ mà chủ sở hữu phải thực hiện như sau:

Thứ nhất, chủ sở hữu có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo thoả thuận; trường hợp không có sự thoả thuận thì mức thù lao phải tuân theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, chủ sở hữu phải có nghĩa vụ sử dụng sáng chế, nhãn hiệu, chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội. Nếu chủ sở hữu sáng chế không thực hiện việc sử dụng sáng chế và người khác có nhu cầu sử dụng để đáp ứng các mục tiêu đó thì chủ sở hữu bắt buộc phải chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (xem thêm phần chuyển quyền sử dụng sáng chế bắt buộc trong giáo trình).

Bên cạnh đó, chủ sở hữu sáng chế còn có nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc nếu thoả mãn 2 yêu cầu sau:

– Chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kĩ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế to lớn;

– Chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc đã thoả thuận với chủ sở hữu sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lí.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Nếu chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng mà không sử dụng nhãn hiệu trong thời hạn 5 năm liên tục mà không có lí do chính đáng kể từ ngày được cấp văn bằng bảo hộ thì sẽ bị chấm dứt hiệu lực đối với văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 3 tháng tính từ ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

Đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nếu chủ sở hữu vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả đối với việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận thì cũng bị chấm dứt văn bằng bảo hộ.

Trên đây là nội dung Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Xem thêm: Quyền của tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp

Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp