Thành phần của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định hiện nay

Thành phần của quan hệ pháp luật dân sự là các yếu tố cấu thành nên quan hệ đó. Vậy các yếu tố cấu thành nên quan hệ pháp luật dân sự là gì? 


Quan hệ pháp luật dân sự được cấu thành bởi các thành tố sau: Chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật dân sự. Cùng tìm hiểu Thành phần của quan hệ pháp luật dân sự dưới đây:

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là những “người” tham gia vào các quan hệ đó. Phạm vi “người” tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: Cá nhân, (công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch), pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và trong nhiều trường hợp, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự.

Để tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, các chủ thể phải có đủ tư cách chủ thể. Cho nên, có loại quan hệ chủ thể là công dân, như công dân có quyền để lại di sản thừa kế còn các tổ chức chỉ được hưởng thừa kế theo di chúc; có loại chủ thể chỉ được tham gia vào loại quan hệ nhất định, như hộ gia đình được tham gia trong các quan hệ sử dụng đất, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hay Nhà nước là chủ sở hữu (thực hiện quyền của chủ sở hữu) đối với các tài nguyên thiên nhiên và đất đai… Trong phần lớn các quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể tham gia là công dân, pháp nhân, Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác như các quan hệ về quyền sở hữu, nghĩa vụ hợp đồng, bồi thường thiệt hại…

Trong quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể quyền luôn luôn được xác định, chủ thể nghĩa vụ có thể là một “người” cụ thể, cũng có thể là tất cả những người còn lại.

Xem thêm: Chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự là ai?


Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự

Khách thể của quan hệ pháp luật là một phạm trù pháp lí, là bộ phận cấu thành của quan hệ pháp luật. Đó là những cái mà các chủ thể của quan hệ pháp luật hướng tới, tác động vào. Nói cách khác, là những lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần mà pháp luật bảo vệ cho các chủ thể trong quan hệ pháp luật. Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự có thể là bộ phận của thế giới vật chất, cũng có thể là những giá trị tinh thần. Khách thể của quan hệ pháp luật dân sự được chia thành năm nhóm sau:

Tài sản

Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), tài sản bao gồm vật, tiền, các giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Vật

Vật với ý nghĩa là một phạm trù pháp lí, là bộ phận của thế giới vật chất có thể đáp ứng được nhu cầu nào đó của con người nhưng không phải bất cứ bộ phận nào của thế giới vật chất đều được coi là vật với tư cách là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự. Có những bộ phận của thế giới vật chất ở dạng này không được coi là vật nhưng ở dạng khác lại được coi là vật.

Ví dụ: Không khí trong tự nhiên, nước sông, nước biển… nếu được đóng vào chai, bình thì có thể được coi là vật với tư cách là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự. Khái niệm vật ở đây có thể được mở rộng do sự phát triển của khoa học công nghệ, như chất thải nếu được dùng lại…

Tiền

Tiền là loại tài sản đặc biệt có giá trị trao đổi với các loại hàng hoá khác. Tiền do Nhà nước ban hành, giá trị của tiền được xác định bằng mệnh giá ghi trên đồng tiền đó. Những đồng tiền có giá trị lưu hành mới được coi là tiền.

Giấy tờ có giá

Giấy tờ có giá là loại tài sản đặc biệt do Nhà nước hoặc các tổ chức phát hành theo trình tự nhất định. Có nhiều loại giấy tờ có giá khác nhau với những quy chế pháp lí khác nhau như: Công trái, trái phiếu, kì phiếu, cổ phiếu, séc… Giấy tờ có giá là hàng hoá trong một thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán.

Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền có thể chuyển giao trong lưu thông dân sự, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Quyền đòi nợ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền đối với tác phẩm, quyền sở hữu công nghiệp…

Cần phân biệt vật với hàng hóa. Khái niệm hàng hóa được đề cập trong chính trị – kinh tế học được hiểu là sản phẩm do con người tạo ra để trao đổi, nó có giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị của hàng hóa được xác định bằng lao động xã hội đã bỏ ra để sản xuất hàng hóa đó. Đất đai, tài nguyên thiên nhiên được coi là vật nhưng không phải là hàng hóa. Mọi hàng hóa đều là vật nhưng không phải mọi vật là hàng hóa.

Vật và tài sản cũng không đồng nghĩa với nhau. Tài sản có thể là một vật, có thể là tập hợp các vật – khối tài sản. Tài sản còn gồm cả các quyền và nghĩa vụ tài sản như quyền đòi nợ, nghĩa vụ trả nợ…

Hành vi và các dịch vụ

Nếu coi khách thể của quan hệ pháp luật dân sự là cái mà xử sự của các chủ thể hướng tới, tác động vào thì hành vi của các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ là khách thể của quan hệ nghĩa vụ. Đó là cái mà quyền cũng như nghĩa vụ của các chủ thể hướng tới đầu tiên, trực tiếp, đó là xử sự của các chủ thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động tùy theo các quan hệ pháp luật cụ thể.

Có những hành vi mà kết quả của nó được thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể. Trong trường hợp này, muốn xem xét hành vi có thực hiện đúng hay không phải căn cứ vào kết quả của việc thực hiện hành vi đó và như vậy hành vi này được vật chất hóa. Vì vậy, có quan điểm cho rằng kết quả của hành vi là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự. Điều này không thể giải thích được trong các quan hệ dân sự mà hành vi không được vật chất hóa như tư vấn pháp luật với hành vi tư vấn… Trong các trường hợp như vậy, căn cứ đánh giá chỉ có thể là hành vi của người phải thực hiện hành vi mà thôi. Trong trường hợp hành vi được thể hiện bằng không hành động thì bản thân “sự không hành động” đó cũng đủ cấu thành khách thể của quan hệ pháp luật dân sự.

Hiện nay, trong khoa học pháp lí chưa có quan điểm thống nhất về khái niệm dịch vụ nhưng thuật ngữ “dịch vụ” đã được sử dụng thực tế trong khoa học pháp lí và khoa học kinh tế. Có thể nói rằng dịch vụ là một hoặc nhiều công việc mà kết quả của nó có thể vật chất hoá nhưng nó không tạo ra vật mới mà nó được thể hiện bằng công việc đã thực hiện xong như sửa chữa tài sản… hoặc không được vật chất hóa, như dịch vụ tư vấn pháp lí, gửi giữ, vận tải… Dịch vụ không trực tiếp tạo ra vật chất nhưng tạo tiền đề cho quá trình sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần cho các chủ thể và xã hội. Tỉ lệ giá trị dịch vụ trong thu nhập quốc dân ngày càng tăng theo đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Kết quả của hoạt động tinh thần sáng tạo

Con người không chỉ tạo ra của cải vật chất để thoả mãn các nhu cầu của mình mà còn tạo ra các giá trị tinh thần, các sản phẩm trí tuệ để phục vụ nhu cầu tinh thần cũng như phục vụ cho quá trình sản xuất vật chất. Khoa học, kĩ thuật và công nghệ là thành tố của lực lượng sản xuất, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và là động lực quan trọng của sản xuất xã hội. Lao động sáng tạo là lao động đặc biệt và kết quả của quá trình sáng tạo này là những “sản phẩm trí tuệ”, là khách thể trong các quan hệ về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp. Sản phẩm trí tuệ được thể hiện dưới dạng:

– Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học… Đây là những hình thức biểu hiện kết quả của quá trình sáng tạo và chúng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như viết, nói hay bằng các phương tiện kĩ thuật…

– Các đối tượng của sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… Những đối tượng này chỉ được bảo vệ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận chúng là đối tượng của sở hữu công nghiệp.

Xem thêm: Quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp

Các giá trị nhân thân

Các giá trị nhân thân là khách thể trong các quyền nhân thân của công dân, tổ chức. Bảo vệ quyền nhân thân là một trong những nguyên tắc được ghi nhận trong BLDS. Các quyền nhân thân của cá nhân được Nhà nước bảo hộ ngày càng mở rộng do sự phát triển của xã hội. Quyền nhân thân như là một bộ phận cấu thành của quyền con người như danh dự, nhân phẩm, uy tín, tên gọi, quốc tịch, hình ảnh, bí mật đời tư… (từ Điều 24 đến Điều 51 BLDS). Về nguyên tắc chung, các quyền nhân thân luôn gắn với chủ thể và không thể dịch chuyển được trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Xem thêm: Quyền nhân thân của tác giả

Quyền sử dụng đất

Đây là một loại tài sản đặc biệt của Nhà nước. Trong khi pháp luật quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí” thì quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, để lại thừa kế… và Nhà nước công nhận các quyền của người sử dụng đất. Quyền sử dụng đất được pháp luật quy định là một quyền dân sự và có thể được chuyển giao trong lưu thông dân sự, kinh tế. Pháp luật đất đai quy định người sử dụng đất có quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, cho thuê lại, góp vốn, thế chấp, thừa kế quyền sử dụng đất. Vì vậy, quyền sử dụng đất là đối tượng trong các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất và là di sản trong việc thừa kế quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung Thành phần của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Comments are closed.