Thế chấp tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay

Thế chấp tài sản là gì? Pháp luật dân sự quy định thế nào về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản?


Thế chấp tài sản là gì?

Khoản 2 Điều 292 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Thế chấp tài sản là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 

Điều 317 BLDS quy định Thế chấp tài sản là việc một bên ( bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).


Hình thức của thế chấp tài sản

Việc thế chấp phải được lập thành văn bản, có thể là văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.

– Nếu việc thế chấp được ghi trong hợp đồng chính thì những điều khoản về thế chấp là những điều khoản cấu thành của hợp đồng chính.

– Nếu việc thế chấp được lập thành văn bản riêng thì được coi là một hợp đồng phụ bên cạnh hợp đồng chính, hiệu lực của nó phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. Do đó, nội dung của văn bản thế chấp được lập riêng phải phù hợp với hợp đồng chính.

Văn bản thế chấp phải công chứng hoặc chứng thực nếu pháp luật có quy định hoặc các bên có thỏa thuận.

Xem thêm: Công chứng hợp đồng giao dịch về bất động sản theo pháp luật


Nội dung của thế chấp tài sản

Bên thế chấp phải giao toàn bộ giấy tờ về tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp. Nếu tài sản thế chấp phải đăng kí giao dịch bảo đảm thì bên thế chấp phải đăng kí việc thế chấp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên thế chấp phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp. Nếu tài sản được dùng để thế chấp nhiều nghĩa vụ thì bên thế chấp phải thông báo cho từng người nhận thế chấp tiếp theo về việc tài sản đã đem thế chấp các lần trước đó.

Nếu các bên không có thỏa thuận gì khác thì bên thế chấp vẫn giữ tài sản và được khai thác công dụng của tài sản, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp ( trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp hoặc do việc khai thác công dụng mà tài sản thế chấp có nguy cơ bị mất hoặc bị giảm sút giá trị) Bên thế chấp phải bảo quản giữ gìn tài sản thế chấp và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục nguy cơ thiệt hại tới tài sản. Bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng, cho tài sản thế chấp và chỉ được cho thuê, cho mượn hoặc dùng tài sản đã thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.

Bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lí tài sản thế chấp khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, phải trả lại giấy tờ về tài sản thế chấp khi chấm dứt thế chấp

Nếu bên nhận thế chấp là người giữ tài sản thế chấp thì phải thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ của người giữ tài sản thế chấp. Bên nhận thế chấp khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp theo thỏa thuận với bên thế chấp. Nếu tài sản thế chấp bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu người đó phải trả lại tài sản cho mình.


Đối tượng của thế chấp tài sản

Tài sản thế chấp có thể là vật, quyền tài sản, giấy tờ có giá, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản đang cho thuê, cho mượn cũng được dùng để thế chấp.

Các bên có thể thỏa thuận dùng toàn bộ hoặc một phần tài sản để thế chấp

– Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Xem thêm: Tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay

Phân loại vật theo quy định của Bộ luật dân sự 2015


Chủ thể của thế chấp tài sản

Trong quan hệ thế chấp tài sản, bên có nghĩa vụ phải dùng tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình được gọi là bên thế chấp. Bên có quyền được gọi là bên nhận thế chấp. Chủ thể của thế chấp tài sản phải có đủ điều kiện mà pháp luật đã quy định đối với người tham gia giao dịch dân sự nói chung. Bên thế chấp tài sản có thể chính là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp, có thể là người thứ ba thế chấp (quyền sử dụng đất ) bảo đảm cho bên có nghĩa vụ.

Xem thêm: Chủ thể của thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật hiện nay


Hiệu lực của thế chấp tài sản

Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.


Xử lý tài sản thế chấp và chấm dứt thế chấp tài sản

Nếu đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản thế chấp được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.

Về nguyên tắc, việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện thông qua phương thức bán đấu giá. Nếu các bên đã thỏa thuận trước hoặc khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ các bên tự thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì tài sản thế chấp được xử lý theo thỏa thuận của các bên.

Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp sau khi trừ chi phí bảo quản và các chi phí liên quan khác.

Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn mà tài sản đó được dùng thế chấp để đảm bảo nhiều nghĩa vụ thì các nghĩa vụ khác dù chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn. Quyền được ưu tiên thanh toán của những người nhận thế chấp ( các chủ nợ) được xác định theo thứ tự giống như thanh toán nghĩa vụ đối với những người nhận cầm cố tài sản.

Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

– Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.

– Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

– Tài sản thế chấp đã được xử lý.

– Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là nội dung Thế chấp tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.

Xem thêm: Cầm cố tài sản là gì? theo quy định của pháp luật dân sự hiện nay

Comments are closed.