Giấy phép kinh doanh là loại giấy phép cấp cho tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài. Dưới đây là thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định mới nhất.
Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh
Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định các điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh cụ thể như sau:
Nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
– Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
Để được cấp Giấy phép kinh doanh, các đối tượng thuộc trường hợp này phải:
– Đáp ứng điều kiện:
+ Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
+ Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
– Đáp ứng tiêu chí sau:
+ Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
+ Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
+ Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
+ Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Lưu ý:
– Các điều kiện này cũng áp dụng đối với dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí cũng phải đáp ứng các điều kiện này. Trong đó:
+ Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn: Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động: sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam; sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.
+ Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
Xem thêm: Một số quy định của pháp luật về Giấy phép kinh doanh
Thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh
Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại Điều 8 Nghị định 09/2018/NĐ-CP là Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.
Sở Công thương lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành trong các trường hợp sau:
– Cấp Giấy phép kinh doanh các hoạt động thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí.
– Cấp Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động sau:
+ Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn;
+ Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
+ Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
+ Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
+ Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
+ Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh
Để được cấp Giấy phép kinh doanh, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đủ điều kiện chuân rbij hồ sơ đề nghị bao gồm các giấy tờ quy định tại Điều 12 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Cụ thể:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị đơn đề nghị theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Bản giải trình
Bản giải trình đảm bảo một số nội dung sau:
+ Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
+ Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;
+ Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
+ Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.
Tài liệu chứng minh không nợ thuế quá hạn
Để được cấp Giấy phép kinh doanh, tổ chức kinh tế đề nghị cấp giấy phép phải có tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
Bản sao một số giấy tờ
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
Trình tự, thủ tục thực hiện
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định mới nhất được hướng dẫn cụ thể tại Điều 13 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ theo quy định trên.
Hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.
Lưu ý về số lượng hồ sơ:
– Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 01 bộ;
– Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại các điểm b, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 02 bộ;
– Trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định này: 03 bộ.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý hồ sơ
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
Bước 3: Kiểm tra hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh.
– Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
– Trường hợp đáp ứng ứng điều kiện
+ Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này; trường hợp từ chối cấp phép, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
+ Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành theo quy định tại điểm a hoặc b khoản 3 Điều 8 Nghị định này (Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
Bước 4: Giải quyết hồ sơ
– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung tương ứng quy định tại Điều 10 Nghị định này để có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do (Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý ngành có văn bản từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Xem thêm: Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định mới nhất
Cấp đổi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định mới nhất
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định mới nhất” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.